Tiếng Việt | English

08/03/2021 - 09:12

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại lợi nhuận cao cho nông dân

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại lợi nhuận cao cho nông dân

Đa dạng các loại cây trồng

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạnh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, có hơn 1.400ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả được nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác như: Chanh, mít, sầu riêng, khóm,... Nhìn chung, những loại trái cây này đều mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Quê tôi ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Gia đình có nhiều thế hệ trồng cây ăn trái nên tôi cũng thừa hưởng được chút ít kinh nghiệm từ cha ông. Do đó, năm 2017, tôi quyết định chuyển đổi 5,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng mít (3ha) và sầu riêng (2,5ha). Sau gần 3 năm, vườn mít của tôi đã cho trái 3 vụ và vườn sầu riêng đang phát triển tốt. Hiện tại, với khoảng 2.500 gốc mít, mỗi đợt thu hoạch gia đình tôi có lãi vài trăm triệu đồng”.

Giống như ông Sáu, anh Đoàn Văn Tiến, ngụ ấp 3, xã Tân Hiệp, cũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 11ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng mít. Hiện vườn mít của anh Tiến được gần 3 năm và đang cho trái. Anh Tiến chia sẻ: “Nhận thấy nhiều người cùng địa phương trồng mít Thái mang lại lợi nhuận cao nên tôi mạnh dạn đầu tư gần 3 tỉ đồng để cải tạo 11ha đất lúa. Nhìn chung, cây mít dễ trồng và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Theo ước tính, với giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi sẽ có lãi từ 1-1,5 tỉ đồng”.

Bên cạnh cây mít thì các loại cây trồng khác như rau má, khóm, chanh,... cũng mang lại hiệu quả cao cho người dân. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện phát triển diện tích trồng chanh lên hơn 500ha, tăng trên 160ha so cùng kỳ năm 2020. Diện tích trồng chanh tập trung nhiều nhất ở xã Thuận Bình và Tân Hiệp, năng suất trung bình đạt từ 18-20 tấn trái/ha/năm. Thời gian qua, mặc dù giá cả đầu ra của cây chanh có biến động theo từng thời điểm nhưng các diện tích trồng chanh mỗi năm đều cho lợi nhuận khá.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình - Bùi Văn Khắp cho biết: “Chanh là một trong những loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân, nhất là khi hệ thống đê bao và các trạm bơm điện phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn chỉnh. Vì vậy, người dân ngày càng mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này. Kỹ thuật canh tác cũng được người dân tìm hiểu, nghiên cứu, đúc kết ngày càng tốt hơn”.

Hiện nay, ngoài thu hoạch bán trái, chanh còn được dùng để sản xuất rượu chanh. Rượu chanh đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất và đang dần tạo được thương hiệu sản phẩm, từ đó góp phần giải quyết tốt về đầu ra, nâng thêm giá trị kinh tế bền vững cho cây chanh.

Ngoài cây chanh, một số nông dân chuyển đổi từ lúa sang trồng rau má. Anh Lê Văn Điệp, ngụ ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, bộc bạch: “Nhiều năm liền trồng lúa không đạt hiệu quả, năm 2018, tôi mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi 0,5ha đất lúa sang trồng rau má. Sau nhiều lần thu hoạch đạt hiệu quả cao, tôi đang đầu tư để mở rộng diện tích trồng”. Được biết, vụ vừa qua, sau thu hoạch, anh có lãi gần 40 triệu đồng.

Đẩy mạnh chuyển đổi

Trước đây, đất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Hiệp chủ yếu là trồng lúa và trồng tràm, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Những năm gần đây, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đa dạng hóa nông sản và nâng cao thu nhập. Đến nay, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển từ cây lúa sang các loại cây trồng khác được hơn 319ha, trong đó, mít và chanh là 2 loại trái cây chiếm diện tích lớn và mang lại hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Nguyễn Thanh Mộng cho biết: “Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm áp lực đầu ra cho nông sản và tăng thu nhập cho người dân”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, toàn huyện chuyển đổi hơn 1.400ha đất trồng lúa năng suất kém sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Một số xã có diện tích chuyển đổi lớn như: Thuận Bình, Tân Hiệp, Tân Tây,... Có thể nói, cơ cấu cây trồng đang được chuyển dịch đúng hướng, những diện tích lúa dần được thay thế bởi các loại cây ăn quả: Chanh (560ha), khóm (400ha), mít (133ha),... Một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã cho thu hoạch như: Chanh 300-400 triệu đồng/ha; mít 250-300 triệu đồng/ha, khóm 150-200 triệu đồng/ha,... Theo tính toán, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cây lúa.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm áp lực đầu ra cho nông sản và tăng thu nhập cho người dân

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm áp lực đầu ra cho nông sản và tăng thu nhập cho người dân

Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Thạnh Hóa, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Tuy năng suất, sản lượng cây trồng sau chuyển đổi đều tăng qua từng năm nhưng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận mang lại cho người dân vẫn chưa tương xứng. Do đó, để việc chuyển đổi này được ổn định, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch, quy mô diện tích của từng xã.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm tỷ trọng lúa sang các cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng và triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Song song đó, huyện khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật và định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp cho người dân” - ông Kha cho biết./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết