Tiếng Việt | English

14/05/2020 - 15:41

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, nhiều nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Chị Trần Thị Xuân thoát nghèo từ mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản
Chị Trần Thị Xuân thoát nghèo từ mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản

Những năm qua, nông dân trồng lúa thường chịu cảnh “được mùa, rớt giá” hoặc ngược lại. Chính điều này, nhiều nông dân xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa mạnh dạn chuyển từ trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn trái và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, ngụ ấp 1, xã Bình Thạnh, cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi chỉ dựa vào việc trồng lúa và làm thuê của chồng. Vì thế, mức sống của gia đình rất thấp, thường xuyên “thiếu trước, hụt sau”, thậm chí có thời gian còn rơi vào hộ cận nghèo. Thấy ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nông dân trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế rất cao dù chỉ vài ngàn mét vuông đất, từ đó tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng chuyển sang trồng thanh long. Chỉ sau mấy năm trồng thanh long, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá, giàu ở địa phương”.

Năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Minh, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, đầu tư 500 triệu đồng cải tạo 3ha đất trồng lúa chuyển sang trồng trên 10 loại cây ăn trái như sầu riêng, mít, chanh, ổi, bơ, dừa, bưởi,... Ông Minh bộc bạch: 

“Tôi quê ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Khi về đây lập nghiệp, tôi có ý định chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Song lúc đó, xã Bình Thạnh nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung chưa có bao đê khép kín, việc trồng cây ăn trái không phù hợp với điều kiện ở địa phương. Vì thế, khi địa phương có đê bao khép kín, tôi mới mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Chỉ hơn nửa năm, vườn ổi của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, giá bán dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng tôi có lãi trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, đến nay, chanh, bưởi và dừa cũng cho thu hoạch, mỗi tháng có lãi vài chục triệu đồng”.

Thấy rõ hiệu quả của việc trồng cây ăn trái mang lại cho gia đình, ông Minh tiếp tục chuyển đổi thêm 2,5ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái. Nhờ vậy, ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, trong đó chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Anh Phạm Văn Hiếu, ngụ xã Bình Thạnh, chia sẻ: “Thời gian qua, gia đình ông Minh luôn tạo điều kiện cho người nghèo ở địa phương có việc làm ổn định. Riêng tôi còn được ông Minh hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây ăn trái. Tận dụng đất vườn tạp và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng, gia đình tôi có điều kiện phát triển sản xuất. Dự kiến cuối năm 2020, gia đình tôi sẽ thoát nghèo bền vững”.

Còn gia đình chị Trần Thị Xuân, ngụ ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, cũng vươn lên thoát nghèo nhờ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò sinh sản. Cách đây 5 năm, gia đình chị Xuân được “mệnh danh” là hộ nghèo bền vững.Bởi, gia đình ít đất sản xuất, trong khi đó, 2 người con nhỏ thường xuyên đau ốm. Chị Xuân bộc bạch: “Gia đình chỉ có 3.000m2 đất trồng lúa nên không đủ sống. Nghe người thân giới thiệu mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 20 triệu đồng đầu tư nuôi 2 con bò cái. Sau 5 năm, gia đình đã thoát nghèo, hoàn trả vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và xây được ngôi nhà tường khang trang”.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng đã và đang mang lại tín hiệu khả quan.Thu nhập và đời sống người dân từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích