Tiếng Việt | English

21/12/2020 - 17:18

Nhựt Chánh: Kinh tế ổn định nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có điều kiện ổn định kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Hồ Văn Hai phấn khởi thu hoạch nhãn

Ông Hồ Văn Hai phấn khởi thu hoạch nhãn

Chuyển đổi cây trồng đúng hướng

Sau thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn ở Vĩnh Long, ông Hồ Văn Hai (56 tuổi, ngụ ấp 2)  mạnh dạn chuyển đổi hơn 6.000m2 đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng hơn 200 gốc nhãn da bò.

Hiện tại, vườn nhãn của ông Hai đang thu hoạch. Trung bình mỗi ngày, ông thu hoạch được 100-120kg, giá bán tại vườn thời điểm này là 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Hai còn lãi hơn 1 triệu đồng. Ngoài tiêu thụ ở các chợ địa phương, ông còn bán cho thương lái ngoài tỉnh như Tiền Giang, Đồng Nai,...

Ông Hai cho biết: “Vườn nhãn của tôi bắt đầu thu hoạch từ khoảng tháng 9 Âm lịch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 1,5-2 tháng, tùy vào lúc ra hoa. Nếu lúc ra hoa tập trung một đợt, trái chín rộ thì thời gian thu hoạch ngắn và ngược lại”.

Nhãn trồng sau 3 năm sẽ bắt đầu thu hoạch được. Thời gian từ lúc ra hoa đến thu hoạch kéo dài khoảng 5 tháng. Để ít tốn công chăm sóc, khi thu hoạch, ông Hai kết hợp tỉa cành cho cây, bón phân, tưới nước. Đợi đến khi lá non chuyển sang màu đậm hơn, áp dụng phương thức theo kinh nghiệm dân gian, ông Hai khắc một vòng trên thân cây, sau đó quấn băng keo lại nhằm kích thích cây ra hoa.

“Để phòng ngừa cây bị bệnh chổi rồng, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn cho người dùng, tôi không kích thích cây ra hoa bằng cách tưới thuốc vào gốc cây. Chính vì thế, vườn nhãn của tôi mỗi năm chỉ thu hoạch một lần” - ông Hai chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, ông Hai còn áp dụng biện pháp sinh học vào sản xuất như bẫy đèn để thu hút côn trùng và đuổi dơi ăn trái. Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng, vườn nhãn đã giúp kinh tế gia đình ông Hai ổn định và vươn lên khá giả hơn trước.

Hiệu quả từ chăn nuôi bò

Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp 7, là một trong những nông dân ở địa phương nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Sáu tâm sự: “Sau khi đi bộ đội trở về từ chiến trường Campuchia vào năm 1988, trải qua nhiều công việc để mưu sinh, đến năm 2015, tôi đầu tư vốn mua 5 con bò thịt để chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay, đàn bò của tôi được 18 con, gồm cả bò sinh sản và bò thịt”.

Không chỉ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, ông Sáu còn chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi như: Cấy tinh nhân tạo cho bò, chuyển đổi 6.000m2 đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ cao sản cung cấp thức ăn cho bò,... từ đó góp phần cải thiện tầm vóc, trọng lượng con bò.

Ông Nguyễn Văn Sáu đang chăm sóc cho đàn bò

Ông Nguyễn Văn Sáu đang chăm sóc cho đàn bò

Phương pháp cấy tinh bò nhân tạo hiện nay có thể chọn được giống, giới tính và màu sắc, từ đó dễ dàng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của người dân. Hiện nay, người chăn nuôi chuộng giống bò babe hoặc bò lai vì nó mang giá trị kinh tế cao. “Đối với đàn bò của tôi, bê con thuộc giống bò babe vừa ra đời đã có thể bán với giá 12 triệu đồng/con. Bò đực vỗ béo, tôi nuôi khoảng 10 tháng sẽ xuất bán với giá 45 triệu đồng/con. Ngoài ra, tôi còn tận dụng nguồn phân bò để bán, kiếm thêm thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình tôi lời được trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi bò. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ổn định hơn trước rất nhiều” - ông Sáu chia sẻ thêm.

Những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở xã Nhựt Chánh đã và đang là hướng đi đúng đắn, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới./.

Thúy Hằng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích