Thi công vượt tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT), DA đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa bàn TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 DA thành phần vận hành độc lập.
Trong đó, đoạn qua tỉnh trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An có chiều dài 6,84km. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 30/6/2023, DA thành phần 7 - xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh chính thức khởi công.
Đến nay, sau hơn 9 tháng triển khai thi công, hình hài tuyến đường Vành đai 3 dần hiện hữu.
Ba gói thầu xây lắp tại dự án thành phần 7, đường Vành đai 3 TP.HCM đều bảo đảm đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch
Tại gói thầu XL1 - xây dựng tuyến chính cao tốc thuộc phân đoạn Km85+200 - Km88+766 do Liên danh Công ty (Cty) TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Đại Á Châu, Cty Cổ phần Xây lắp Thương mại Delta, Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tân Hoàng Long thi công, hiện các nhà thầu đã hoàn thiện các thủ tục đầu vào, thực hiện đắp cát đường công vụ, đắp cát tuyến chính đến cao độ xử lý đất yếu; đồng thời, thi công cọc khoan nhồi 20/28 cọc, giá trị thực hiện gần 18%.
Đối với gói thầu XL2 - xây dựng cầu Tân Bửu tuyến chính cao tốc, tuyến song hành nhánh trái và đường song hành từ ĐT830C đến nút giao thuộc phân đoạn Km88+766 - Km90+472, do Liên danh Cty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng dầu khí IDICO - Cty Cổ phần Núi Hồng thi công, đến nay, các nhà thầu huy động đủ phương tiện, máy móc, thiết bị, tổ chức đồng loạt các mũi thi công.
Trong đó, trên tuyến chính, đơn vị thi công cọc thử cọc khoan nhồi 35/36 cọc, thi công cọc đại trà 210/271 cọc, thi công kết cấu phần dưới bệ 18/34 mố, trụ; phần thân 11/34 mố, trụ. Trên tuyến song hành thi công 7/7 cọc thử khoan nhồi, cọc đại trà 42/47 cọc và thi công xong phần cống 35/35 cọc và triển khai thi công đắp cát đường đường song hành với giá trị thực hiện đạt gần 25%.
Gói thầu XL3 - xây dựng Nút giao cuối tuyến do Liên danh Cty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành - Cty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn - Tổng Cty Thăng Long - CTCP thi công.
Theo Chỉ huy trưởng gói thầu XL3 - Vũ Thông Trường, sau khi nhận mặt bằng, đơn vị tập trung tổ chức các mũi thi công bảo đảm tiến độ cam kết với chủ đầu tư.
“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành thi công xong cọc khoan nhồi của 16 mố, trụ; thi công kết cấu phần dưới bệ 15/16 mố, trụ; thi công phần thân 14/16 mố, trụ và đang thực hiện đắp cát tuyến chính, tuyến nhánh;... Hiện đơn vị thi công đạt giá trị gần 32%”- ông Vũ Thông Trường cho biết.
Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, về cơ bản DA thành phần 7, đường Vành đai 3 TP.HCM đang được các đơn vị thi công đạt và vượt so với kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 15/8/2022.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã tổ chức họp giao ban, đề nghị các nhà thầu thi công cam kết thi công với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp” bảo đảm công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án Đường tỉnh 830E
Nếu như DA đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh triển khai tương đối thuận lợi, tiến độ đạt và vượt so với yêu cầu thì tại DA ĐT830E hiện tiến độ thi công còn chậm.
Đến thời điểm hiện tại, đoạn từ nút giao ĐT830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm, cả 2 đơn nguyên bên trái và bên phải tuyến đều thi công mới đạt khoảng 18%.
Còn đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến Quốc lộ 1, đơn nguyên bên trái tuyến thi công mới đạt 13,1% và đơn nguyên bên phải tuyến thi công đạt 17,86%.
Sở dĩ việc thi công chưa bảo đảm là do vướng mặt bằng, nhiều trường hợp người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng do chưa nhận nền tái định cư.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), huyện đã tổ chức chi được 755/878 trường hợp với tổng số tiền bồi thường 1.343,5/1.629,32 tỉ đồng/diện tích 34,5/39,94ha. Còn lại 123 hộ với tổng số tiền 285,8 tỉ đồng, diện tích 5,2ha chưa nhận tiền bồi thường do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư. Chủ yếu các hộ đề nghị nâng giá bồi thường thiệt hại về đất; thực hiện bồi thường toàn bộ nhà, đất đối với nhà, đất giải tỏa 1 phần và bố trí lô nền tái định cư.
Công nhân tập trung thi công cầu An Thạnh của dự án đường tỉnh 830E sau khi được bàn giao mặt bằng
“Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, thời gian qua, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ vận động để tập trung tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đồng thời, UBND huyện cũng giao các phòng chuyên môn tập hợp, củng cố hồ sơ thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất đối với các trường hợp đủ điều kiện thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi trong bồi thường, GPMB, UBND huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường tỉnh đẩy nhanh tiến độ bồi thường DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư ĐT830E và phát triển đô thị xã Thanh Phú cũng như khẩn trương đầu tư xây dựng khu tái định cư để chuẩn bị di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của DA ĐT830E và DA đường Vành đai 3 TP.HCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện công tác GPMB theo đúng kế hoạch” - ông Lê Thành Út chia sẻ.
Thông tin từ Sở GTVT, để bảo đảm tiến độ thực DA ĐT830E, thời gian tới, Sở tập trung đôn đốc các nhà thầu tăng cường phương tiện, máy móc, trang thiết bị và nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công với phương châm “có mặt bằng đến đâu, tổ chức triển khai các mũi thi công đến đó”.
Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp UBND huyện Bến Lức vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng trong quá trình triển khai thi công./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt dự án 3 cầu trên Quốc lộ 50B
Thông tin từ Sở GTVT, đối với DA xây dựng 3 cầu trên ĐT827E (nay là Quốc lộ (QL) 50B) gồm cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây có tổng mức đầu tư DA khoảng 4.797 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp là 3.374 tỉ đồng, chi phí tư vấn, quản lý DA và chi phí khác 539 tỉ đồng, dự phòng 883 tỉ đồng. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư gồm vốn ODA khoảng 4.060 tỉ đồng và vốn đối ứng ngân sách tỉnh khoảng 736 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất DA.
DA đầu tư, xây dựng QL50B là 1 trong 3 công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu tạo thành trục động lực kết nối phát triển của 3 địa phương: TP.HCM, Long An, Tiền Giang. Theo quy hoạch, DA có điểm đầu tại đường Phạm Hùng, TP.HCM và điểm cuối tại ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang. DA QL50B có tổng chiều dài khoảng 55km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Long An dài 35,6km, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài 14,2km và đoạn qua TP.HCM dài 5,8km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Long An sẽ đi qua 4 huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ. Điểm đầu tại ranh giới tỉnh Long An - TP.HCM, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An - Tiền Giang, thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. Trên tuyến đường có 3 cầu, gồm cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây.
Ngày 19/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 583-KL/TU thống nhất phương án đầu tư xây dựng tuyến QL50B đoạn qua địa bàn tỉnh: “Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu trên tuyến QL50B để kết nối các cầu với các tuyến đường tỉnh và QL nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư DA xây dựng 3 cầu, bằng vốn vay ODA”. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương UBND tỉnh, Sở GTVT đang chờ các huyện rà soát, đề xuất lại quy mô tái định cư để hoàn chỉnh lại phương án đầu tư, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến. |
Kiên Định