Trẻ em vui chơi tại phòng chức năng, góp phần phát triển thể chất và tinh thần
Không cho con làm việc nhà, quá bao bọc, thậm chí sinh hoạt cá nhân phụ huynh cũng làm giúp - đó là tâm lý chung của những bậc cha mẹ khi có con bị khuyết tật. Hiểu được tâm lý này, Trường NDTKT tỉnh đặc biệt quan tâm dạy trẻ kỹ năng sống độc lập. Bí thư Đoàn trường NDTKT tỉnh - Võ Hoàng Quế Anh cho biết: “Hàng năm, Đoàn trường tổ chức ít nhất 2 hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể năm 2018, Đoàn trường tổ chức cho trẻ đi xe buýt, làm việc nhà, nấu ăn, học bơi,... Riêng dịp tết, Đoàn trường tổ chức nhiều chương trình chăm lo cho trẻ em khuyết tật. Tại đây, các em vừa được nhận quà, vừa được tham gia văn nghệ và các trò chơi dân gian. Thông qua các hoạt động, các em học được cách chăm sóc bản thân và có sân chơi lành mạnh, bổ ích sau những giờ học tập căng thẳng”.
Năm học 2018-2019, trường tiếp nhận mới 40 học sinh, với 4 lớp, trong đó, 3 lớp khuyết tật dạng trí tuệ, 1 lớp khuyết tật dạng nghe - nói. Để dạy trẻ làm quen với môi trường mới, nhà trường tạo điều kiện cho các em trồng cây xanh, tham gia các hoạt động tại các phòng chức năng. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp phụ huynh tìm hiểu bệnh lý, tính nết từng em để có biện pháp giảng dạy phù hợp.
Còn đối với những học sinh nội trú, trường dạy các em cách sắp xếp mền, gối, dọn dẹp phòng, vệ sinh cá nhân và nấu ăn. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi tư vấn về giới tính nhằm phòng, chống xâm hại tình dục và nâng cao ý thức về giới cho học sinh. Cô Lê Phạm Anh Đào (cán bộ y tế kiêm quản lý khu nội trú bán trú, bếp ăn của trường) cho biết: “Trẻ khuyết tật là những trẻ kém may mắn. Tuy nhiên, chúng ta phải dạy trẻ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, ít nhất là kỹ năng chăm sóc bản thân để sau khi ra trường các em có thể hòa nhập cộng đồng”.
Trẻ em được tham gia học bơi. Đây là một trong những chương trình giáo dục kỹ năng sống của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh
Trước đây, Nguyễn Hải Nam (học sinh lớp 2TT) chưa biết gì, hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh. Sau khi vào trường, em được các thầy cô tận tình hướng dẫn các kỹ năng sống. Giờ đây, em biết được rất nhiều như đi chợ, nấu ăn, phụ mẹ làm việc nhà, đồng thời khả năng nghe - nói của em cũng ngày càng cải thiện. Phụ huynh em Nam tâm sự: “Tôi thấy con kém may mắn nên không để cho con làm gì, kể cả vệ sinh cá nhân. Sau khi được trường tư vấn, tôi hiểu ra mình thương con là phải dạy con cách sống tự lập, bởi mình sẽ không ở bên con mãi”.
Mỗi trẻ được đưa vào Trường NDTKT tỉnh là mỗi hoàn cảnh, tâm lý khác nhau. Tuy nhiên, những trẻ này có điểm chung là cần được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục kỹ năng sống. Với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường đã giúp nhiều trẻ hòa nhập cộng đồng. Phó Hiệu trưởng Trường NDTKT tỉnh - Trần Thanh Phong chia sẻ: “Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó, trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy kỹ năng sống cho trẻ. Hơn nữa, trường còn tạo điều kiện cho các em nhận học bổng và quà của Nhà nước, các nhà hảo tâm nhằm giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế cho gia đình các em”./.
Lê Ngọc