Những tiết học không bục giảng
Em Trần Thị Xuân Trúc - học sinh lớp 8, Trường THCS Nhựt Tảo, TP.Tân An, tỉnh Long An hào hứng kể về lớp học giáo dục giới tính (GDGT) tại trường. Đó là những buổi học dành riêng cho học sinh khối 8, được tổ chức trái buổi, có lớp dành riêng cho nam và nữ. Ở đó, Trúc cùng bạn bè được bày tỏ quan điểm và những thắc mắc về giới tính mà không biết hỏi ai.
Em chia sẻ: “Các buổi học mang lại cho em nhiều kiến thức thiết thực và bổ ích để tự bảo vệ bản thân. Thông qua nội dung học, em biết về tác hại khi quan hệ tình dục sớm. Em và các bạn rất thích giờ GDGT”.
Cô Trịnh Hoàng Anh Thư, người trực tiếp giảng dạy lớp GDGT ở Trường THCS Nhựt Tảo cho biết: “Các em học sinh tỏ ra khá bất ngờ về những kiến thức tôi chia sẻ vì phần lớn các em, đặc biệt là học sinh nam, cho rằng, cô giáo sẽ không dám nói đến những điều nhạy cảm. Chính từ sự cởi mở đó, các em mạnh dạn chia sẻ về những cảm nhận của bản thân trong giai đoạn thay đổi tâm, sinh lý”.
Học sinh Trường THCS Nhựt Tảo học về giáo dục giới tính (ảnh do trường cung cấp)
Các buổi học cung cấp kiến thức về sự thay đổi tâm, sinh lý tuổi dậy thì; tác hại của quan hệ tình dục sớm; phòng tránh xâm hại tình dục; hướng dẫn các em cách phòng vệ, tự giải thoát bản thân khỏi những tình huống nguy hiểm.
Hiệu trưởng trường THCS Nhựt Tảo - Lê Thị Thủy cho biết, lớp học GDGT là một trong chuỗi hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại trường. Cô chia sẻ: “Nhằm giúp các em hiểu thêm về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, rèn luyện đức tính tốt, tránh xa những hành vi xấu cũng như am hiểu về giới tính, sức khỏe sinh sản, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các em. Thông qua nói chuyện chuyên đề, tham quan, các chương trình văn nghệ,... nhà trường cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết”.
Và không chỉ có cấp THCS mà cả cấp tiểu học, việc giáo dục kỹ năng sống cũng được chú trọng. Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện mô hình “Giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học”.
Theo đó, các nội dung về giá trị đạo đức, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, yêu gia đình, thái độ tự tin, tự chịu trách nhiệm, kỷ luật, đoàn kết,... được tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ, sinh hoạt Đội. Tùy điều kiện từng trường mà ban giám hiệu có kế hoạch tổ chức thực hiện riêng.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả là kỹ năng thích ứng với điều kiện môi trường, kỹ năng ứng xử của học sinh được hình thành và phát triển tốt. Các em lễ phép với người lớn, hòa nhã với các bạn, tự phục vụ bản thân: Chuẩn bị đồ dùng học tập, dọn dẹp sau khi ăn xong, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn,... Đồng thời, các em cũng có ý thức phòng tránh nguy hiểm và bị xâm hại.
Chị Huỳnh Thị Thu Nga - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thanh Phú Long B, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tôi rất vui vì con gái được thầy, cô dạy rất nhiều điều. Thời gian gần đây, cháu có nhiều thay đổi, về nhà biết giúp mẹ quét nhà, lau bàn ghế và rửa chén bát. Cháu cũng ngoan ngoãn, lễ phép hơn trong cách nói chuyện”.
Học bằng sự trải nghiệm
Hiệu quả tích cực của các mô hình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại trường học được chứng minh. Ngày nay, một bộ phận trẻ em là “cô chiêu, cậu ấm”, nên việc giáo dục kỹ năng sống lại càng trở nên quan trọng. Điều đó không chỉ giúp các em có ý thức sống tự lập mà còn trang bị kiến thức cơ bản để các em tự bảo vệ bản thân.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016, toàn tỉnh xảy ra hơn 1.000 trường hợp tai nạn, thương tích trẻ em; trong đó, tử vong 28 trường hợp do đuối nước. Điều đó đặt ra vấn đề là dường như trẻ chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm.
Chính vì vậy, nhiều đoàn thể, đơn vị tổ chức các chương trình, lớp học nhằm giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi.
Theo Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi - Tỉnh đoàn Long An, chỉ riêng năm 2016, trung tâm tổ chức 8 lớp “Học làm người con hiếu thảo” cho hơn 1.000 học sinh; phối hợp Trường THCS&THPT Hà Long (TP.Tân An), Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cần Đước, Cần Giuộc tổ chức các chương trình rèn luyện 2 ngày 1 đêm; phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng đội, Nhà Thiếu nhi quận 8, TP.HCM tổ chức chương trình “Học từ thiên nhiên” cũng như tổ chức 2 đợt “Học kỳ trong quân đội” năm 2016.
Mỗi chương trình, lớp học có thời gian và nội dung khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến việc giúp các em có kiến thức cơ bản để làm hành trang bước vào đời. Càng được trang bị nhiều kỹ năng, các em càng có nhiều cơ hội để thành công trong tương lai.
Các lớp “Học kỳ trong quân đội” rèn luyện cho các em nhiều kỹ năng cần thiết
Với môi trường nghiêm khắc, qua Học kỳ trong quân đội, các em được rèn tính kỷ luật. Những ngày sống tập thể dạy các em biết sẻ chia và trách nhiệm. Trải nghiệm cuộc sống xa nhà cùng bài học về tình yêu thương cha mẹ giúp các em nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình. Chính vì những giá trị đó mà Học kỳ trong quân đội luôn “được lòng” phụ huynh và các em học sinh.
Chị Phan Thị Kim Phượng, ở phường 7, TP.Tân An cho biết: “Tôi thấy Học kỳ trong quân đội là hoạt động hay, giúp ích nhiều cho các cháu, đặc biệt là các cháu chuẩn bị tốt nghiệp THPT, bắt đầu sống xa nhà. Tôi tìm hiểu về chương trình và dự định cho con trai mình tham gia”.
Không chỉ vậy, hàng năm, vào dịp hè, các lớp học năng khiếu, bơi lội, võ thuật cũng được mở tại hầu như tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh từ lớp thu phí đến miễn phí dành cho các em trong độ tuổi thanh, thiếu nhi. Từ những lớp học đó, trẻ không chỉ có được sự trải nghiệm mới mẻ ngoài sách vở mà còn tự trang bị cho mình thêm kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.
Học kỹ năng để tồn tại và phát triển không bao giờ là thừa. Bởi lẽ, muốn thành công trong tương lai thì các em phải biết cách tự rèn luyện và vượt qua khó khăn, thử thách./.
Học kỹ năng để tồn tại và phát triển không bao giờ là thừa. Bởi lẽ, muốn thành công trong tương lai thì các em phải biết cách tự rèn luyện và vượt qua khó khăn, thử thách. |
Hoàng Thúy