Tiếng Việt | English

16/01/2017 - 13:38

Để nông dân Đồng Tháp Mười được hỗ trợ từ chương trình phát triển nuôi thủy sản

Thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Long An về khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười, nhiều hộ nuôi thủy sản được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.


Nhiều hộ dân nuôi thủy sản được hưởng lợi từ Quyết định 54 của UBND tỉnh

Được hưởng lợi từ chính sách

Anh Ngô Văn Thống, ở ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng cho biết, năm 2015, anh được hỗ trợ 22 triệu đồng mua cá giống từ chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản của tỉnh. Năm 2016, anh tiếp tục thả nuôi cá với số lượng hơn 60.000 con trên diện tích ao nuôi cũ; năm trước sau khi thả nuôi, anh làm hồ sơ gởi về xã để được hưởng hỗ trợ, địa phương tổ chức đoàn đến thẩm định, kiểm tra. Theo anh, đây là chính sách hỗ trợ kinh phí cho người nuôi thủy sản, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện thu nhập cho người dân.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Võ Hữu Nghị cho biết: Năm 2016, huyện tiếp nhận 700 hồ sơ đề nghị được hỗ trợ theo Quyết định 54 của UBND tỉnh với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Huyện thành lập Hội đồng Thẩm định và tiến hành kiểm tra thực tế các hộ chăn nuôi thủy sản để thống kê, lập danh sách và gửi về Sở NN&PTNT.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng đợt 1 năm 2016, huyện được sở thẩm định 226 hồ sơ hỗ trợ chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản vùng Đồng Tháp Mười theo Quyết định 54 của UBND tỉnh với số tiền hơn 5 tỉ đồng.

Theo quyết định này, các tổ chức, cá nhân đưa giống mới, giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi với diện tích tối thiểu đối với ao nuôi là 0,2ha, đối với nuôi trong ruộng lúa là 0,5ha, đối với đăng quần là 0,5ha. Thể tích tối thiểu với nuôi lồng bè là 20m3, đối với nuôi vèo là 15m3 được hỗ trợ 50% giá con giống nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ.

Tổ chức, cá nhân chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng khác trong vùng quy hoạch sang nuôi thủy sản được hỗ trợ sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ao nuôi và đưa thủy sản vào nuôi. Đối với ao nuôi có diện tích từ 0,2ha trở lên được hỗ trợ 25% chi phí đầu tư nhưng không quá 20 triệu đồng/ha. Đối với nuôi trong ruộng lúa diện tích từ 0,5ha trở lên được hỗ trợ 25% chi phí đầu tư, mức tối đa không quá 8 triệu đồng/ha.

Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 1 lần khi đầu tư mới. Đối với lồng bè từ 20m3 trở lên được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư, đăng quần từ 0,5ha trở lên được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư và vèo từ 15m3 trở lên được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư. Về thời gian xét duyệt hồ sơ hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích nuôi thủy sản 2 lần/năm, trước ngày 1/5 và trước ngày 1/10 hàng năm.


Quy định rõ hơn đo diện tích ao nuôi

Còn vướng mắc

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, cụ thể, theo Hướng dẫn số 329, ngày 26/2/2013 của liên Sở NN&PTNT và Sở Tài chính tỉnh về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười, riêng đối với chính sách khuyến khích nuôi thủy sản diện tích tối thiểu đối với ao nuôi là 0,2ha. Tuy nhiên, hướng dẫn này chưa quy định cụ thể là diện tích mặt nước hay là diện tích cả ao nuôi, trên thực tế, nhiều địa phương còn lúng túng khi thực hiện, có nơi thì đo diện tích mặt nước, có nơi đo phân nửa bờ ao trở vào; trong khi đó, nhiều hộ dân cho rằng, nếu ao nuôi thì phải có bờ ao.

Năm 2015, anh Nguyễn Văn Tẻn, ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng hoàn tất hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản, tuy nhiên, khi địa phương đến kiểm tra, đo đạc mới phát hiện diện tích ao nuôi chưa đủ nên không được hỗ trợ phần chi phí đào ao cũng như con giống. “Cứ nghĩ diện tích ao nuôi thì phải tính luôn bờ ao, nào ngờ, khi địa phương đến chỉ đo đạc phần diện tích mặt nước, năm 2016, tôi cơi nới diện tích ao nuôi để được hưởng chính sách này, hiện đã hoàn tất hồ sơ” - anh Tẻn nói.

Còn anh Nguyễn Hoàng Tất, ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết, năm 2016, anh đào ao thả cá nuôi, cũng như các hộ nuôi cá trên địa bàn, anh làm hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; sau đó, có đoàn đến kiểm tra ao nuôi, chủng loại cá, số lượng, tuy nhiên, hồ sơ của anh không được giải quyết với lý do ao nuôi không đủ diện tích, mặc dù số lượng và chủng loại cá được bảo đảm. Theo anh, nếu đo luôn cả bờ ao thì diện tích ao nuôi của gia đình được bảo đảm theo quy định, đằng này, chỉ đo nửa bờ ao trở vào.

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Bùi Văn Hiệu, thời gian qua, việc thực hiện chính sách này còn nhiều vướng mắc, thứ nhất là hướng dẫn liên Sở NN&PTNT và Sở Tài chính tỉnh chưa rõ; thứ hai là khi thả nuôi, các hộ dân chỉ làm thủ tục nhưng không thông báo địa phương đến kiểm tra; thứ ba là còn trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi như làm khống hợp đồng buôn bán cá giống.

Thời gian tới, để người dân nuôi thủy sản được hưởng chính sách theo Quyết định 54 của UBND tỉnh, cần tiếp tục thông báo rộng rãi đến người nuôi thủy sản biết được chính sách hỗ trợ này; củng cố tổ kiểm tra, giám sát địa phương, trong quá trình thực hiện giám sát chặt chẽ chủng loại, mật độ con giống; đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng quy định rõ hơn trong việc đo diện tích ao nuôi để địa phương thực hiện tốt hơn.

Để chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Đồng Tháp Mười, theo Quyết định 54 của UBND tỉnh, các cấp, các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa để người nuôi thủy sản được hưởng lợi từ chính sách này./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết