Một trong những thí sinh ra về đầu tiên trong môn thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Thủ Thừa
Em Trần Tăng Tuyết Nhung, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) rời phòng thi với tâm trạng vui vẻ vì hoàn thành bài thi khá thuận lợi. Nhung thổ lộ: “Đề thi môn Ngữ văn năm nay khá hay và vừa với khả năng của em. Em rất tâm đắc với phần câu hỏi liên quan đến lịch sử nghệ thuật của nhân loại, bởi nó thuộc lĩnh vực em yêu thích. Em tự tin làm được khoảng 80%”.
Khá hài lòng với bài thi của mình, Lâm Quang Phát, thí sinh điểm thi Trường THPT Thủ Thừa cho biết: “Đề thi bám sát cấu trúc Bộ giáo dục và Đào tạo đưa ra. Các nội dung câu hỏi nằm trong phần ôn tập của em. Em không “học tủ” nên làm được hết các câu hỏi và hoàn thành bài thi thuận lợi. Nhìn chung, đề thi năm nay dễ nhưng cũng có một số câu phân hóa học sinh”.
Dõi theo hành trình thi của các em, cô Trần Thị Thanh Thảo, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Thủ Thừa đến điểm thi để động viên cũng như hỏi thăm các em về quá trình làm bài thi. Cô Thảo phấn khởi khi đa số các em làm bài thi tốt. Nhận xét về đề thi năm nay, cô Thảo nói: “Đề thi môn Ngữ văn năm nay khá hay, có sự sáng tạo và phân hóa tốt nhưng cũng vừa sức với thí sinh. Nội dung các câu hỏi, kỹ năng làm văn trong đề thi nằm trong phần ôn tập của giáo viên trên lớp. Đây cũng là những kiến thức trọng tâm và bám sát chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006".
Cô Trần Thị Thanh Thảo thăm hỏi quá trình làm bài của thí sinh và nhận xét đề thi Ngữ văn năm nay
Cô Trần Thị Mỹ Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), thành viên Hội đồng bộ môn Ngữ văn, Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Phần nghị luận văn học gắn với yêu cầu phân tích đoạn thơ mở đầu đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (kiến thức văn học thuộc trọng tâm chương trình Ngữ văn 12, học kỳ I). Đây là kiểu bài cơ bản, quen thuộc trong chương trình. Bám sát ngữ liệu cho sẵn trên đề, chỉ cần nắm kỹ năng làm bài, thí sinh có thể nhận diện và triển khai tốt vấn đề nghị luận. Tuy nhiên, vế phụ với mục đích phân hóa khi yêu cầu nhận xét phong cách thơ của tác giả. Những thí sinh phải nắm vững phong cách tác giả, nội dung và nghệ thuật của đoạn trích mới giải quyết vấn đề.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn năm nay ổn, không có nhiều yếu tố bất ngờ. Hy vọng, đây cũng là khởi đầu thuận lợi cho thí sinh năm cuối học chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006 thêm phần tự tin cho những buổi thi còn lại”.
Thí sinh thảo luận đề thi môn Ngữ văn sau khi rời phòng thi
Cô Nguyễn Thị Xuân Hồng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Kiến Tường (thị xã Kiến Tường) cho biết: “Đề thi môn Ngữ văn bám sát cấu trúc và định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phần đọc hiểu, câu 1 và 2 (mức độ nhận biết) về tìm ý trong ngữ liệu, đa số thí sinh có thể lấy trọn điểm. Câu 3 (mức độ thông hiểu) yêu cầu nêu tác dụng của việc liên tưởng không quá khó nhưng có thể có thí sinh chưa bao quát được toàn bộ tác dụng. Câu 4 khá mở, cho phép thí sinh có những quan điểm cá nhân. Nói chung, phần đọc hiểu vừa sức nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa.
Với phần làm văn, câu 1 (nghị luận xã hội) nói về vấn đề "tôn trọng cá tính" thực tế, phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh và có tính giáo dục. Do vậy, các em dễ viết, chỉ là tùy khả năng khai thác và diễn đạt từng em. Câu 2 (nghị luận văn học), ngữ liệu là phần đầu đoạn trích "Đất Nước" (trích trường ca "Mặt đường khát vọng") của Nguyễn Khoa Điềm. Thí sinh đã được ôn tập kỹ. Việc khai thác nhuần nhuyễn các chi tiết nghệ thuật trong ngữ liệu và rút ra nhận xét "về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả Nguyễn Khoa Điềm" là phần phân hóa của đề. Nhìn chung, đề đúng trọng tâm chương trình và đảm bảo sự phân hóa”.
Thuận lợi trong buổi thi đầu tiên với môn Ngữ văn, thí sinh có thêm niềm tin, động lực và quyết tâm trong các môn thi kết tiếp, để đạt được kết quả cao nhất có thể, chinh phục ước mơ đậu vào đại học với ngành học yêu thích./.
An Nhiên