Tiếng Việt | English

13/04/2016 - 09:00

Đẹp lắm tấm lòng người cựu chiến binh!

Cuộc chiến lùi xa nhưng rất nhiều người lính Cụ Hồ vẫn còn mang trong mình những mảnh đạn, vết thương… của một thời khói lửa, mưa bom. Vậy mà, họ vẫn kiên cường bền bỉ chiến đấu trên mặt trận sản xuất, vượt khó làm kinh tế giỏi, trở thành tấm gương sáng giữa đời thường.

Hơn 70 tuổi, nhưng ông Nguyễn Anh Tờ vẫn hăng say lao động sản xuất

Nghị lực của người lính Cụ Hồ 

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Tân Thạnh, chúng tôi theo con đường đất gập ghềnh tìm đến nhà Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình - Nguyễn Anh Tờ. Ông Tờ cho biết: Năm 1964, ông tham gia cách mạng. Hòa bình lập lại, ông từng giữ các chức vụ: Phó Chính trị viên Huyện đội Tân Thạnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tân Thạnh,…

Năm 1992, ông về hưu và tiếp tục được đề cử làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình cho đến ngày nay. Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, người thương binh 4/4 này lại bắt tay vào sản xuất. Lúc ấy, tài sản lớn nhất của gia đình là 1ha đất, sản xuất lúa nhưng năng suất không cao. Cuộc sống của 5 thành viên trong gia đình chỉ dựa vào lương hưu của 2 vợ chồng ông.

Thực hiện theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông tìm tòi, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức,… Năm 2005, ông mạnh dạn áp dụng mô hình “Trang trại khép kín 3 vòng”, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, dùng phân bò chế biến phân hữu cơ và sử dụng ươm trồng cây xanh. Đến nay, ông có 10 con bò mẹ, lợi nhuận bình quân thu từ bán phân hữu cơ, bò giống, cây con gần 100 triệu đồng/năm.

“Ban đầu thực hiện mô hình, tôi gặp nhiều khó khăn. Vì gia đình không có vốn và kinh nghiệm nên chỉ mua bò cóc nuôi để bán bò thịt, từ đó lợi nhuận không cao. Sau thời gian, tôi tích lũy kinh nghiệm và được Hội Cựu chiến binh huyện hỗ trợ vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản, xây dựng chuồng trại, nhà kho. Vì vậy, kinh tế gia đình ngày càng đi lên” - ông Tờ cho biết thêm.

Gia đình văn hóa tiêu biểu

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Tờ cũng là người có uy tín trong tổ hòa giải tại địa phương. Trải qua 16 năm làm tổ trưởng tổ hòa giải, ông giải quyết nhiều mâu thuẫn nội bộ của một số gia đình, láng giềng bằng tất cả sự kiên trì, nhẫn nại,... của bản thân, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Anh Đoàn Văn Mến, ở ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình cho biết: “Ông Tờ là người gương mẫu, tận tụy trong công việc, gần gũi với nhân dân. Ông rất giàu lòng nhân ái và là trung tâm của sự đoàn kết”.

“Là vợ chồng với nhau hơn 30 năm nhưng chúng tôi chưa giận nhau được 2 ngày. Bởi ông luôn lo lắng và chăm sóc chu đáo cho gia đình. Ông không bao giờ đổ trách nhiệm cho vợ con, việc gì làm được thì làm. Vì vậy, gia đình tôi nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu. Đặc biệt năm 2007, gia đình được ra Hà Nội nhận danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc. Đây là niềm vinh dự, đồng thời là nền tảng để giáo dục cho con cháu sau này”. Bà Nguyễn Thị Kim Anh - vợ ông Tờ cho biết.

Bên cạnh đó, gia đình ông Tờ, bà Anh luôn chủ động tham gia tốt các cuộc vận động Quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa,… Ngoài ra, hơn 10 năm, gia đình ông Tờ cho UBND xã Tân Bình mượn 100m2 đất xây dựng trụ sở ấp. Ông Tờ cho biết: “Mình là đảng viên phải gương mẫu đi đầu như vậy mới làm tốt công tác vận động. Ngoài ra, tôi làm bất cứ việc gì cũng luôn tâm niệm phải bảo vệ cái đúng, phản bác cái sai, lệch chuẩn. Tất cả phải đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết”.

Hơn 70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng nhưng ông Nguyễn Anh Tờ vẫn sống vui, sống khỏe và sống có ích cho xã hội. Ông là tấm gương sáng giữa đời thường đáng được học tập và biểu dương./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết