Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuần kéo dài từ ngày 6-12/4 là một tuần lễ quan trọng với những tín đồ Công giáo và người Do Thái, vì đây là thời điểm tổ chức những sự kiện quan trọng trong đời sống tâm linh của các cộng đồng này, lần lượt là lễ Phục sinh và lễ Quá hải (Passover).
Trái với thông lệ hằng năm vào dịp này, hình ảnh các tín đồ tập trung kín chỗ tại các nhà thờ hay biển người tụ tập theo dõi nghi lễ không còn chiếm lĩnh trang đầu trên các tờ báo phương Tây.
Năm nay tất cả đều chìm trong một bầu không khí vắng lặng lạ thường bởi rất nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế tụ tập để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Những con số nhảy múa
Đây là tuần thế giới rung chuyển bởi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lần lượt qua các mốc 1,5 triệu người, 1,6 triệu, 1,7 triệu và đang dần sát con số 1,8 triệu người, trong khi số ca tử vong thời điểm đầu tuần chưa tới 70.000 thì cuối tuần cũng đã vượt mốc 100.000 người.
Đó cũng là tuần nặng nề với nước Mỹ khi đánh dấu thời điểm quốc gia này chính thức vượt qua Italy về số ca tử vong, hiện đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm (533.115) và số ca tử vong (20.580) tính đến chiều 12/4, trong khi thành phố tâm dịch New York mỗi ngày lại thêm nhiều người ra đi vĩnh viễn.
Đây cũng là tuần mà thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh COVID-19 hồi cuối năm ngoái, chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn thành phố, bước đầu đánh dấu thành công của những nỗ lực chưa từng có tiền lệ nhằm đẩy lui dịch bệnh.
Sau 76 ngày đêm chỉ ở trong nhà, các cư dân Vũ Hán đã bắt đầu ra đường, nhưng họ vẫn ý thức rằng phải rất lâu nữa mọi thứ mới trở lại bình thường.
Và chắc chắn giới chức các nước trên thế giới cũng đang theo dõi quá trình “chuyển tiếp” tại Vũ Hán khi mà các nước khác cũng đang cân nhắc khi nào thì có thể an toàn dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hạn chế hay giới nghiêm tại quốc gia của mình.
Gánh nặng trên vai những "chiến sỹ tuyến đầu"
Khi đại dịch gây ra những nguy cơ bên ngoài lĩnh vực y tế, vượt qua khía cạnh cá nhân và kinh tế, khó khăn cũng như chồng chất thêm trên vai những nhân viên tuyến đầu.
Các nhân viên dịch vụ khẩn cấp 911 tại New York hoạt động hết công suất trong hoàn cảnh mà họ gọi là “chưa từng có.”
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác dã chiến bệnh viện Brooklyn, New York,Mỹ, ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhiều bác sỹ và nhân viên y tế trở thành bệnh nhân khi không may bị lây nhiễm trong quá trình điều trị và phục vụ người bệnh.
Một số y tá ở Mỹ đã bày tỏ sự lo lắng khi phải làm việc trong điều kiện thiếu thiết bị bảo hộ và những dụng cụ cần thiết, để rồi bắt đầu đấu tranh tư tưởng, lựa chọn giữa một bên là nguyên tắc nghề nghiệp và một bên là sự an toàn của chính bản thân mình.
Khi giới chức y tế trên toàn cầu nỗ lực để đảm bảo có thêm nhiều máy thở hỗ trợ điều trị các bệnh nhân, đã có những bác sỹ từ chối sử dụng máy thở vì lo sợ khiến tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu hơn.
Họ và nhiều bệnh nhân khác trên thế giới cũng đã lựa chọn chạy đua với thời gian và tham gia các nghiên cứu thuốc điều trị có tiềm năng.
Với nhiều áp lực nặng nề và những quyết định khó khăn nhất, các nhân viên y tế vẫn đang nỗ lực không ngừng để tìm ra cách thức “hành động” của COVID-19 với hy vọng mở ra những con đường mới mới cứu giúp những bệnh nhân của mình.
Đó là lý do Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay dành để tôn vinh các nhân viên y tế.
Những “cú đánh” của COVID-19 giáng vào kinh tế toàn cầu
Tuần qua cũng là tuần kinh tế toàn cầu biến động không ngừng, đặc biệt tại Mỹ.
Chỉ trong vòng 3 tuần qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên hơn 10%, trong đó có những lao động bán thời gian, lao động tự do, những nhóm đang cố gắng bám víu vào các khoản hỗ trợ thất nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ đang trông chờ vào khoản cứu trợ liên bang cũng chỉ có thể “nằm yên bất động” đợi tiền rót về mà không thể hoạt động hay xoay sở cách nào khác trong bối cảnh mọi thứ đều ngừng trệ.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trên toàn cầu, Oxfam cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể đẩy 500 triệu người vào diện nghèo nếu các quốc gia giàu có không chìa tay hỗ trợ những quốc gia kém phát triển.
Tại châu Phi, giới chức lo ngại nền kinh tế đang tiến dần tới nguy cơ sụp đổ toàn diện khi hàng triệu lao động không chính thức trong các lĩnh vực như như bán hàng rong, lái xe taxi và thợ cơ khí mất việc làm.
Các quốc gia cũng đang nỗ lực đẩy mạnh những phương án cứu trợ.
Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố bơm thêm 2.300 tỷ USD cho nền kinh tế nước này trong khi hầu hết các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ thông qua gói giải cứu trị giá 500 tỷ euro.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đảm bảo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi “nhanh như tên lửa” sau cơn khủng hoảng vì COVID-19, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ hồi phục khó có thể bắt kịp tốc độ tàn phá hay bù đắp được những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Nhiều người bắt đầu hoài nghi khả năng ngành dịch vụ, vốn đang là “con bệnh” nặng nhất, có thể trở lại phong độ như xưa sau “cơn hôn mê sâu” vì COVID-19.
Liệu các quán bar, phòng tập gym và các rạp chiếu phim nhộn nhịp sẽ chỉ còn là dĩ vãng? Và nếu điều đó xảy ra, cuộc sống của những nhân viên tại các địa điểm này sẽ ra sao sau khi dịch qua đi?
Đó là những câu hỏi nổi lên rất nhiều trong tuần qua khi người ta ngày càng nhìn rõ hơn hậu quả từ những “cú đánh” của COVID-19.
Rất nhiều điều khác cũng đang thay đổi. Số người Mỹ đi máy bay đã giảm tới mức chưa từng thấy trong 60 năm qua.
Thị trường địa ốc vốn đang "nóng" là thế mà giờ đột ngột tạm ngừng hoạt động, gây khó khăn cho rất nhiều người có nhu cầu chuyển hay sang nhượng nhà.
Diễn biến kinh tế tích cực duy nhất xuất hiện trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là thương mại điện tử.
Trong khi nhiều doanh nghiệp trên thế giới tạm ngừng hoạt động, các cửa hàng thực phẩm vẫn được phép mở cửa để cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên trong những cửa hàng này trở thành nhân viên tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Nhiều khách hàng cũng không muốn ra ngoài để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, vậy là dịch vụ giao hàng tận nhà nở rộ và không ngừng mở rộng trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên diện rộng.
Cuộc khủng hoảng lần này tiếp tục gây ra những tác động không ngờ tới một số cộng đồng nghèo trên toàn thế giới.
Dịch bệnh tác động tới nguồn kiều hối hàng trăm tỷ USD mà các lao động nhập cư ở các quốc gia phát triển vẫn gửi về cho gia đình còn nghèo khó ở quê nhà.
Tại châu Phi, các biện pháp phong tỏa cũng phần nào ảnh hưởng tới các chương trình kế hoạch hóa gia đình.
Hàng trăm nghìn người nhập cư Afghanistan ở Iran đã trở về nhà sau khi dịch bệnh tại quốc gia Hồi giáo này diễn biến khó kiểm soát, dẫn đến nguy cơ virus lan sâu vào trong những cộng đồng nghèo đang chìm trong xung đột và giao tranh..
Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của thế giới về phòng chống dịch COVID-19
Ở Việt Nam, tuần qua cũng được gọi là tuần then chốt quyết định thành bại của công cuộc toàn dân chung tay đẩy lùi COVID-19.
Đây là tuần thứ hai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, người dân ở trong nhà, chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết và có đeo khẩu trang.
Việc cách ly y tế triệt để tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội đã được triển khai để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuần qua, cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Số ca bệnh mới mỗi ngày trong tuần đã giảm đáng kể (chỉ dao động từ 1 đến 4 ca/ngày), thấp hơn nhiều so với tuần trước đó (4 đến 15 ca/ngày), tức giảm hơn 3 lần.
Bệnh nhân 122 của Việt Nam xuất viện, chào tạm biện các y bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Một tín hiệu đáng mừng khác là số ca hồi phục cũng đang tăng lên đáng kể và nay đã vượt qua số ca bệnh đang được điều trị.
Cho tới chiều 12/4, cả nước đã có 144 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 55% số ca bệnh được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số ca bệnh hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế chỉ còn 116 ca.
Các thức phòng chống dịch tại Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý và được truyền thông quốc tế đánh giá cao về sự kịp thời, nhanh chóng, quyết liệt, đúng đắn và những biện pháp chống dịch tiết kiệm, hiệu quả cao đang được triển khai.
Tuy nhiên, dù xu hướng các ca bệnh mới đang giảm, giới chức y tế Việt Nam khẳng định không được chủ quan, lơ là, bởi COVID-19, đối với toàn thế giới là “kẻ thù giấu mặt và rất khó lường.”
Trong một tuần, COVID-19 vẫn tiếp tục vẽ lên những gam màu khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới.
Ở Mỹ và châu Âu, bức tranh vẫn u ám chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhưng sự cảnh giác đã gia tăng khi khẩu trang được sử dụng nhiều hơn và biện pháp phong tỏa được tuân thủ nghiêm hơn, cùng với đó là hy vọng cũng lớn dần lên về một ngày “kẻ thù COVID-19 sẽ bị đánh bại.”
Ở Việt Nam, bức tranh phần nào sáng hơn nhờ những con số đáng khích lệ, mà đằng sau đó, là nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, là sự nhọc nhằn của những nhân viên tuyến đầu, là cảm xúc trong những nụ cười và giọt nước mắt khi bệnh nhân COVID-19 cuối cùng điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận có kết quả xét nghiệm âm tính, hay ngày Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội được dỡ bỏ phong tỏa…
Khép lại một tuần biến động, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới tính đến cuối ngày 12/4 là hơn 1.790.560 người, số ca bệnh vẫn tiếp tục được nhiều nước cập nhật.
Điều đó cho thấy cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn phía trước.
Có thể không chỉ là một tuần, mà thế giới sẽ còn phải trải qua nhiều tuần chống dịch phức tạp. Đó là lúc quyết tâm, nỗ lực phải đi kèm với đoàn kết và trách nhiệm./.
Theo TTXVN