Tiếng Việt | English

07/08/2023 - 10:50

Điện Kremlin tuyên bố Nga không muốn kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga không muốn kiểm soát thêm bất cứ vùng lãnh thổ nào khác của Ukraine, ngoài 4 vùng (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) và bán đảo Crimea theo Hiến pháp hiện tại.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: TASS

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo New York Times (Mỹ) ngày 6-8 và được Hãng tin Tass dẫn lại, khi được hỏi liệu Nga có muốn kiểm soát thêm phần lãnh thổ nào khác của Ukraine không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Không! Chúng tôi chỉ muốn kiểm soát tất cả đất đai mà chúng tôi hiện đã ghi vào Hiến pháp là của chúng tôi".

Ông Peskov cũng tuyên bố hiện "không có cơ sở" cho một thỏa thuận hòa bình với Ukraine và khẳng định Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.

Năm ngoái Nga đã tổ chức cái gọi là các cuộc "trưng cầu ý dân" tại 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine, đồng thời cho biết đa số cư dân đi bỏ phiếu đã ủng hộ việc sáp nhập. Trước đó, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Ngày 30-9-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đứng đầu 4 vùng này đã ký các hiệp ước sáp nhập vào Liên bang Nga. Đến ngày 4-10 cùng năm, ông Putin đã ký thành luật các hiệp ước sáp nhập.

Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là những khu vực mà các lực lượng Nga đã kiểm soát phần lớn hoặc một phần. Các vùng lãnh thổ này chiếm khoảng 18% lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận, theo Reuters.

Tuy nhiên Ukraine và các nước phương Tây đã chỉ trích các cuộc trưng cầu ý dân nói trên, cho rằng chúng mang tính ép buộc, không đại diện cho toàn bộ và vi phạm luật quốc tế.

Đến nay không có dấu hiệu thực sự nào về một lối thoát cho xung đột Nga - Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không cho thấy dấu hiệu sẽ lùi bước ở một trong những cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ khi sau Thế chiến 2.

Các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng hiện nay Nga và Ukraine khó đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến.

Với Tổng thống Putin, việc bị coi là nhượng bộ và rút lui dễ dàng khỏi cuộc chiến - mà chính ông đã khởi động và cũng theo ông là có thể dễ dàng giành chiến thắng - là điều khó chấp nhận. Đối với Tổng thống Zelensky, việc nhượng bộ cũng là điều khó chấp nhận./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết