Tiếng Việt | English

05/04/2017 - 10:22

Điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nghị định này quy định rõ đối tượng, điều kiện và lãi suất cho vay.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nguyên tắc cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Theo quy định tại Nghị định này, dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phải là các dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và đánh giá là có hiệu quả, đảm bảo trả nợ đầy đủ cả nợ gốc và nợ lãi.

Việc cho vay phải đúng quy trình, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật; Khách hàng vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi vay đầy đủ và đúng thời hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng và các quy định của Nghị định này,...

Đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp các dự án nêu trên đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.

Điều kiện cho vay

Để được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Thuộc đối tượng cho vay;

- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định;

- Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay;

- Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật;

- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay;

- Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay,...


Tiếp cận vay tín dụng đầu tư của Nhà nước để phát triển sản xuất và kinh doanh. Ảnh: Đức Thuận

Mức vốn cho vay

Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức vốn cho vay đối với từng dự án đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và đảm bảo giới hạn tín dụng theo quy định tại Nghị định này.

Thời hạn cho vay

Nghị định này quy định thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án, nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

Đối với các dự án đặc biệt cần phải cho vay vượt quá thời hạn cho vay tối đa theo quy định nêu trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời hạn 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Định kỳ vào ngày cuối cùng của quí, căn cứ nguyên tắc xác định lãi suất quy định nêu trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xác định và công bố mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với mỗi dự án theo quy định tại Nghị định này được áp dụng cho toàn bộ dư nợ của dự án từ thời diểm điều chỉnh.

Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.

Bảo đảm tiền vay

Đối với từng dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cụ thể các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2017 và thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 và Nghị định số 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ./.

Thái Chuyên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích