Tiếng Việt | English

12/09/2019 - 10:22

Điều trị ung thư tại Việt Nam đang tiệm cận với tiến bộ của thế giới

Mới đây, Bệnh viện K Trung ương đã đưa vào điều trị xạ phẫu bằng máy Gamma Knife thế hệ Icon, là thế hệ máy xạ phẫu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Phòng khám-bệnh viện K tại Phan Chu Trinh được đầu tư thiết bị y tế hiện đại, trả kết ngay cho nguời dân đến tầm soát ung thư. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Kỹ thuật và trang thiết bị để điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam đang ngày càng hiện đại hóa, tiệm cận với các tiến bộ của y học thế giới.

Đây là nhận định của các bác sỹ đầu ngành Bệnh viện K Trung ương tại Hội thảo “Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư,” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 11/9.

Bác sỹ Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Xạ trị quốc gia, Trưởng Khoa Xạ Lồng ngực-Bệnh viện K Trung ương, cho biết trong ba trụ cột chính của điều trị bệnh ung thư gồm xạ trị, phẫu thuật và dùng thuốc, xạ trị đóng vai trò quan trọng bởi có đến 60-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị. Đây là phương pháp có hiệu quả kinh tế cao và có thể triệt căn ung thư. Chính vì thế, các cơ sở điều trị ung thư hàng đầu của Việt Nam đã liên tục trang bị các thiết bị hiện đại, triển khai kỹ thuật mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của xạ trị.

Cụ thể, mới đây, Bệnh viện K Trung ương đã đưa vào điều trị xạ phẫu bằng máy Gamma Knife thế hệ Icon, là thế hệ máy xạ phẫu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. 

Với thiết bị này, người mắc ung thư ở Việt Nam có thêm một phương pháp điều trị hiện đại trong điều trị đa mô thức các khối u sọ não mà không phải ra nước ngoài như trước.

Trước đó, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã trang bị hệ thống Xạ trị định vị thân (SBRT). Đây là một trong những kỹ thuật xạ trị tiến bộ vận hành trên hệ thống máy xạ trị hiện đại thế hệ mới.

Hệ thống thiết bị hỗ trợ này có thể tự dò tìm vị trí chuyển động của bướu để phát tia xạ trị một cách chính xác vào đúng vị trí bướu, giảm bớt thể tích xạ trị vào những cơ quan xung quanh bướu, hiệu quả xạ trị cao hơn so với những kỹ thuật xạ trị trước đây.

“Nếu tính từ thời điểm năm 2000 khi Việt Nam trang bị máy gia tốc đầu tiên, đến nay, sau 19 năm, chúng ta đã tiếp cận đến đỉnh cao xạ trị gia tốc, ngang bằng với sự phát triển 70 năm của thế giới,” bác sỹ Hoàng nhận định.

Đồng quan điểm, tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi Robot, Bệnh viện K Trung ương chia sẻ, các tiến bộ trong phẫu thuật ngoại khoa ung thư mà đỉnh cao là phẫu thuật ung thư bằng robot đã trở thành thường quy tại Việt Nam.

Hiện, cả nước có 4 cơ sở y tế trang bị hệ thống robot Da Vinci gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện K Trung ương.

Nếu robot Da Vinci của Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ là robot thế hệ thứ 4, Robot Da Vinci của Bệnh viện K Trung ương là robot thế hệ mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

“Việc trang bị các thiết bị hiện đại trong phẫu thuật ngoại khoa ung thư không chỉ giúp bác sỹ phẫu thuật hiệu quả hơn mà còn làm giảm đau đớn, giảm thời gian phục hồi, nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân sau phẫu thuật,” bác sỹ Bình chia sẻ.

Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018, tỷ lệ người dân Việt Nam mắc ung thư là 151,4/100.000 dân, xếp thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng. Năm 2000, Việt Nam ghi nhận 68.000 ca mắc ung thư mới.

Đến năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: Ung thư gan (15,4%), ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%), ung thư vú, ung thư đại tràng. Những con số này được xem là thách thức không nhỏ đối với công tác chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết