Tiếng Việt | English

02/07/2015 - 04:05

Doanh nghiệp cam kết “rót” 1 tỷ USD vào ngành chăn nuôi

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của ngành nông nghiệp, một tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp là sự gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, tuy nhiên trồng trọt và xuất khẩu đều kém.

Doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh vào nuôi bò

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: Năm nay, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, không có dịch lớn xảy ra, đồng thời giá thức ăn chăn nuôi và giá đầu ra các sản phẩm chăn nuôi khá ổn định, bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi nên chăn nuôi phát triển tốt. Vấn đề tái cơ cấu ngành đang có những chuyển biến rõ nét, nhất là việc tăng cường quản lý giống và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín vào lĩnh vực chăn nuôi.


Hiện các doanh nghiệp lớn đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa (Ảnh minh họa: KT)

Đặc biệt, theo ông Vân, “nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào ngành chăn nuôi với số vốn cam kết lớn, có doanh nghiệp cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020 vào lĩnh vực này”. Theo ông Vân, hiện các doanh nghiệp lớn đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa.

Số liệu thống kê cho thấy, ước đàn bò tăng 2,7% (riêng đàn bò sữa đạt 253,7 nghìn con, tăng 26,5%); sản lượng sữa tươi ước đạt 355,2 nghìn tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014. “Đây là một tín hiệu mới, thể hiện xu hướng phát triển tích cực của ngành”- ông Vân đánh giá. Song, theo ông Vân, ngành chăn nuôi cũng đang lúng túng trong việc vận dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ.

Trồng trọt èo uột, xuất khẩu giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2,36%, thấp hơn so với 2014 (2,9%). Trong đó, trồng trọt là lĩnh vực có tốc độ tăng thấp nhất 1,08%, trong khi lại chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%) nên đã kéo tốc độ tăng của ngành xuống thấp.

Ngành nông nghiệp phải làm ra thêm 22.000 tỷ đồng trong 6 tháng: “Vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng như 6 tháng vừa qua nhưng phải nỗ lực gia tăng thêm 10.000 tỷ đồng. Giá trị gia tăng sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm nay khoảng 12.000 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, ngành phải làm ra thêm 22.000 tỷ đồng mới đạt tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

Nguyên nhân tình trạng này, theo Bộ NN-PTNT, do ngành trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khả năng còn lan rộng ra nhiều khu vực khác.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho hay, năm nay hạn hán khốc liệt, riêng Ninh Thuận và Khánh Hòa khốc liệt nhất trong vòng 40 năm. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân cả nước giảm 4.300 ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153.000 tấn (giảm khoảng 0,7%).

Bộ NN- PTNT đánh giá, tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn. Dù ngành đã nỗ lực với nhiều giải pháp gỡ khó, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm, gồm: chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng toàn ngành ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,05 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết