Niềm tin vào năm mới
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, số DN thành lập mới tăng, toàn tỉnh có 16.991 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 373.087 tỉ đồng. Trong đó, có 12.893 DN đang hoạt động, số DN hoạt động sản xuất chiếm 30%, kinh doanh 35%, xây dựng 17% và 18% còn lại là các lĩnh vực hoạt động khác.
Đồng thời, số DN giải thể giảm 3%, DN hoạt động trở lại tăng cho thấy kinh tế đang ổn định, thị trường dần nhộn nhịp trở lại. DN sau thời gian khó khăn cũng từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, vững tin năm mới thị trường sẽ tốt hơn.
Các loại mắm thương hiệu Bà Ba Thạo
Trước đây, Công ty (Cty) TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bà Ba Thạo chỉ sản xuất các loại mắm ở tỉnh An Giang nhưng thời gian gần đây, Cty mở thêm Cty (địa chỉ sản xuất tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước) để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, gần gũi với thị trường TP.HCM. Khi bắt tay vào sản xuất tại tỉnh Long An, Cty chú trọng xây dựng và đạt các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận HACCP,...
Đại diện Cty - Trần Chấn Thiên cho biết, Cty có đến vài chục loại mắm, thị trường tiêu thụ rộng ở miền Tây, TP.HCM, các cửa hàng tiện ích, các DN chuyên doanh phân phối. Doanh số hiện lên đến vài chục tỉ đồng/năm. Năm 2023 có nhiều khó khăn nhưng Cty vẫn trụ vững nhờ liên tục tìm kiếm thị trường mới.
Thời điểm này, Cty bắt tay vào sản xuất phục vụ thị trường tết với các loại mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá sặt, cà pháo, kiệu, tôm chua,... Tất cả là sản phẩm được chế biến sẵn, khách hàng chỉ khui hộp là có thể dùng, không cần thêm gia vị. Nói về kỳ vọng trong năm mới, ông Trần Chấn Thiên chia sẻ, thời điểm này, Cty đã lên kế hoạch để lực lượng bán hàng khảo sát thị trường chợ và các điểm bán hàng tập trung trong khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam để nắm bắt thị hiếu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, năm 2024, Cty còn mở rộng kênh phân phối ở các chợ: Bình Điền, Hóc Môn,... cùng nhiều chiến lược kinh doanh khác tại các khu vực chợ đầu mối, cung cấp hỗ trợ xây dựng biển hiệu cùng chính sách bán hàng phù hợp.
Cty cũng lên kế hoạch sản xuất theo nhu cầu riêng của từng khách hàng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, da dạng hóa bao bì đóng gói theo nhu cầu công nghiệp, cải tạo tem nhãn, chỉn chu từng chi tiết để khách hàng hài lòng.
Với kế hoạch như vậy, Cty kỳ vọng năm mới thật sự hanh thông trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh trồng nhiều loại trái cây nhưng chủ yếu bán tươi. Việc đẩy mạnh chế biến sâu, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, tăng cường kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường là các giải pháp chủ yếu được Sở Công Thương quan tâm, hỗ trợ DN để góp phần đưa nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra những thị trường lớn trên thế giới. Vì vậy, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ Cty TNHH XNK Vinagrin (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) xây dựng Đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm” bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2021-2023.
Trong giai đoạn này, Cty hỗ trợ 1 tỉ đồng để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất với hệ thống chiên chân không công suất 30kg/mẻ. Với hệ thống này, Cty có thể chiên được các loại trái cây.
Ngoài ra, Cty còn đẩy mạnh sản xuất, sấy các loại trái cây như mít, khoai, chuối, rau, củ các loại để đa dạng sản phẩm hơn.
Mít sau chế biến của Công ty TNHH XNK Vinagrin chuẩn bị đóng gói tiêu thụ trên thị trường
Theo Giám đốc Cty TNHH XNK Vinagrin - Lê Thanh Nhân, trước đây, Cty chuyên xuất khẩu trái cây tươi, cấp đông, việc thêm sản phẩm chiên, sấy cũng khó nhưng Cty đã vượt qua những rào cản ban đầu.
Hiện nay, 70% sản phẩm của Vinagrin được xuất khẩu trực tiếp, 30% xuất khẩu gián tiếp qua các đối tác trong nước với sản lượng khoảng vài ngàn tấn/năm. Sản phẩm của Vinagrin đang hiện diện tại nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc,...
Đến nay, Cty đã phát triển tương đối ổn định, có chỗ đứng trên thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Năm 2024, Cty định hướng tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và hướng tới những thị trường khó tính hơn như Mỹ, Nhật Bản,... để góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2024, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, Sở Công Thương tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Qua đó, Sở Công Thương tăng cường kết nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết hợp tác với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối hiện đại của TP.HCM.
Đồng thời, Sở hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển giao dịch trên các sàn thương mại điện tử uy tín.
Sở Công Thương cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN thâm nhập thị trường tiêu thụ mới, nhất là các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, DN cần chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản xuất có giá trị gia tăng cao nhằm đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt hiệu quả và phát triển bền vững.
Sở Công Thương sẽ kịp thời thông tin về thị trường thế giới, những thay đổi về chính sách, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, tập quán buôn bán của thị trường, nội dung của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để DN tận dụng tốt nhất lợi thế ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường./.
Mai Hương