Do ảnh hưởng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu thêm dòng sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh, tìm kiếm thêm khách hàng mới, tạo việc làm cho người lao động
Nhiều điểm sáng
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Long An, mặc dù kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm sáng, là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Quí I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 4,33% so cùng kỳ năm 2023, có 32/62 các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng. Bên cạnh đó, số DN thành lập mới, DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư đều tăng so cùng kỳ năm 2023. Long An cũng là một trong số địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, thu hút nhiều DN đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vì số lượng DN có nhu cầu tuyển dụng LĐ mới đang ngày một nhiều hơn. Các sàn giao dịch việc làm vì thế cũng phải tăng cường kết nối bằng nhiều hình thức nhằm hỗ trợ DN tìm nguồn LĐ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Công ty (Cty) TNHH Din Sen Việt Nam (Long An) Enterprise (Cty Din Sen, ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) có 100% vốn đầu tư từ nước ngoài, chuyên ngành sản xuất, gia công các loại sản phẩm may mặc, 100% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Theo Phó Giám đốc bộ phận nhân sự của Cty Din Sen - Tạ Ái Linh, năm 2022, tổng số LĐ của Cty là 4.500 người, do tình hình thị trường tiêu dùng kém dẫn đến các đơn đặt hàng giảm mạnh, Cty không tuyển bổ sung cho các vị trí nghỉ việc.
Năm 2023, Ban Lãnh đạo Cty nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giữ được đối tác truyền thống cũng như tìm kiếm khách hàng mới. Năm 2024, Cty khai thác được nhiều thị trường và thương hiệu mới, đơn hàng trở nên dồi dào, lịch sản xuất đã dày kín cả năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hiện nay, Cty Din Sen có hơn 2.670 LĐ, tăng hơn thời điểm cuối năm 2023 khoảng 100 LĐ. Với các đơn hàng dồi dào, Cty đang cần tuyển 500 LĐ gồm công nhân may và LĐ phổ thông nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, cho ra sản phẩm chất lượng, xuất hàng kịp tiến độ, tạo lòng tin với khách hàng mới.
Công ty TNHH Din Sen Việt Nam (Long An) Enterprise (ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) đã khai thác được nhiều thị trường và thương hiệu mới, đơn hàng trở nên dồi dào, lịch sản xuất dày kín cả năm 2024
Theo bà Tạ Ái Linh, NLĐ tại Cty nhận được nhiều ưu đãi. Căn cứ Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với NLĐ, tại Long An được xác định theo Vùng 2 nhưng trên thực tế, NLĐ là được Cty xem xét và cho nhận lương cơ bản bảo đảm là 5,2 triệu đồng/tháng. Đây là mức của lương Vùng 1, điều này thể hiện sự quan tâm của Ban Lãnh đạo Cty đối với NLĐ. Ngoài mức lương cơ bản, Cty còn thực hiện nhiều chế độ chăm lo đời sống vật chất cho NLĐ thông qua các chế độ khác như tiền kỹ năng tay nghề, tiền thưởng chuyên cần, thưởng hiệu suất, thưởng tinh thần làm việc, tiền nhà ở, tiền trợ cấp con nhỏ,... Sản lượng sản phẩm NLĐ làm ra càng nhiều thì sẽ hưởng thu nhập càng cao, qua đó, thu nhập bình quân của NLĐ đạt 8-10 triệu đồng/tháng trở lên.
Bên cạnh đó, NLĐ còn nhận được quà vào các dịp lễ, tết; được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác. Đặc biệt, để thu hút nguồn LĐ đáp ứng nhu cầu sản xuất, Cty đang áp dụng phương án tuyển dụng là thưởng người mới nhận việc và người giới thiệu LĐ mới 4 triệu đồng.
Đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Cty TNHH La Mã (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) chuyên sản xuất các mặt hàng trang trí bằng bột và đường, thuộc ngành hàng thực phẩm. 100% hàng hóa của Cty được xuất khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là Mỹ, châu Âu và các nước Ả Rập. Vì mặt hàng Cty sản xuất không phải là hàng thiết yếu nên vẫn chịu ảnh hưởng nặng từ nền kinh tế thế giới, hàng xuất khẩu chưa như mong muốn.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH La Mã - Trần Thị Xuân cho biết, hiện tại, Cty có khoảng 220 LĐ, bằng với lực lượng LĐ năm 2023. Năm 2024, để bảo đảm thu nhập và giữ chân NLĐ, ngoài lương và các khoản phụ cấp đã có, NLĐ được Cty hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt, dao động từ 200.000 - 5 triệu đồng, tùy theo vị trí công tác.
Ngoài ra, để khuyến khích NLĐ, Cty có thêm phần thưởng sản lượng, dù tại thời điểm này lượng hàng xuất đi hàng tháng chưa đạt chỉ tiêu để thưởng. Điều này, giúp NLĐ phấn khởi, vui vẻ với công việc và đồng hành cùng Cty trong giai đoạn khó khăn.
Công nhân, lao động sản xuất tại Công ty TNHH Din Sen Việt Nam (Long An) Enterprise (ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức)
Để có thể phát triển bền vững và tốt hơn hiện tại, Cty TNHH La Mã đã và đang nghiên cứu thêm dòng sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh, đa dạng thêm hàng hóa, mở rộng cơ hội xuất khẩu, tạo thêm doanh thu, góp phần duy trì việc làm cho NLĐ.
Điểm đáng phấn khởi là tuy kinh tế còn khó khăn, hàng hóa trang trí chưa tiêu thụ mạnh nhưng nhờ áp dụng nhiều giải pháp trong đó có tìm kiếm khách hàng mới, Cty TNHH La Mã đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm từ nay đến nhiều tháng nữa trong năm 2024. Hiện bộ phận kinh doanh của Cty nỗ lực phát triển thêm đơn hàng trong thời gian tới. Với số lượng LĐ hiện tại có thể đáp ứng kịp thời tiến độ giao hàng cho khách.
Cty TNHH Thương mại Sản xuất Pure chuyên sản xuất tinh dầu và mỹ phẩm đặt tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa. Giám đốc Cty TNHH Thương mại Sản xuất Pure - Nguyễn Quốc Vũ chia sẻ, các loại sản phẩm của Cty cung cấp cho nhiều nhà bán lẻ như Pharmacity, Con Cưng, An Khang, Avakids, Aeon Mall, Bibomart, Kidsplaza, Tiki, Lazada,...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cuộc cạnh tranh của các DN cùng ngành nghề nên sản lượng bán ra giảm gần 50% so với các năm trước. Tuy vậy, Cty vẫn cố gắng duy trì số LĐ hiện có cũng như duy trì mức thu nhập cho NLĐ từ 7-15 triệu đồng/tháng, tùy vị trí công việc.
Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện kim ngạch xuất, nhập khẩu trong quí I-2024 tăng trưởng mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được nối lại, đơn hàng bắt đầu dồi dào. Tuy nhiên, đối với những DN sản xuất, gia công hàng xuất khẩu như dệt, may mặc, da giày vẫn còn khó khăn, bởi đây là những ngành sản xuất sử dụng nhiều LĐ. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, có những DN vẫn duy trì đều đặn hoạt động sản xuất, tạo việc làm ổn định cho NLĐ, tránh việc sa thải LĐ.
Về phía các cơ quan nhà nước đang tích cực hỗ trợ DN thông qua việc kết nối cung - cầu sàn giao dịch việc làm nhằm cung ứng đủ lượng LĐ mà DN cần cho quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Sở Công Thương cũng cần tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn DN phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng. Trong đó, ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới.
Tin rằng, với những giải pháp trên, DN sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác truyền thống, hợp tác toàn diện với hệ thống phân phối lớn ở các thị trường trong và ngoài nước, tạo việc làm ổn định cho NLĐ./.
Gia Hân