Tiếng Việt | English

20/09/2016 - 15:54

Đổi thay ở xã nông thôn mới

Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Long An có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 104 xã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa. Trong đó, không ít xã văn hóa, xã nông thôn mới là những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.


Xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đổi thay sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã văn hóa

Từ "vùng tối trời" thành "vùng sáng"

Con đường từ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ về xã Nhựt Ninh như gần hơn khi vừa được đầu tư mở rộng. Bắt đầu từ cầu Triêm Đức, một vùng chuyên canh nuôi tôm trù phú hiện ra trước mắt. Theo Đường tỉnh 822, chúng tôi ghé thăm lại vùng căn cứ cách mạng Đám lá tối trời, tại ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh. Tuyến đường đal rộng 5m với chiều dài 2km mang tên Đám lá tối trời vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bà Trần Thị Xem, năm nay vừa tròn 70 tuổi cho biết, vùng này trước đây chỉ toàn dừa nước, chiến tranh ác liệt, dưới những tán lá dừa nước không thấy ánh mặt trời trở thành căn cứ cách mạng quan trọng. Hòa bình lập lại, vùng đất này sản xuất lúa không hiệu quả, mỗi năm chỉ được 1 vụ năng suất thấp do chưa có hệ thống đê bao nên thường xuyên nhiễm mặn. Người dân nơi đây anh dũng trong chiến đấu, từng chống lại, đánh tan bao đợt hành quân, bắn phá của kẻ thù mà lẽ nào lại đầu hàng trước thiên nhiên?

Nghĩ rồi làm, thấy việc nuôi tôm bên huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang mang lại thu nhập tương đối khá, một số hộ dân trong vùng thử nghiệm chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang thả nuôi tôm sú. Sau vài vụ, thấy con tôm thích nghi được với vùng đất này, người dân mở rộng diện tích nuôi. Những cánh rừng dừa nước bạt ngàn ngày nào, những vùng lúa kém hiệu quả dần nhường chỗ cho những vuông tôm. Bà Xem cho biết thêm: “Vụ tôm vừa rồi, với 0,5ha cho thu hoạch gần 3 tấn tôm sú, giá bán 280.000 đồng/kg, gia đình bà có lãi 400 triệu đồng. Còn 3ha chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn năng suất cao”.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Lê Văn Biên cho biết: “Sau 3 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã đạt 16 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong 5 ấp thì khu vực ấp Thuận Lợi, người dân có thu nhập cao hơn, ước đạt gần 50 triệu đồng/người/năm nhờ nuôi trồng thủy sản. Từ Đám lá tối trời, nay ấp Thuận Lợi vươn lên thành điểm sáng của xã. Tính chung mỗi năm, toàn xã thả nuôi khoảng 260ha tôm với giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành hộ khá giả, có điều kiện tham gia tích cực trong các phong trào do địa phương phát động”.


Nuôi tôm mang lại hiệu quả cao cho người dân vùng Nhựt Ninh, Tân Trụ

Làm thay đổi nhận thức người dân

Xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng được công nhận xã văn hóa vào năm 2010 và 4 năm sau trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh được công nhận nông thôn mới. Điểm nổi bật tại địa phương này chính là từ việc xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới có tác động tích cực đến nhận thức của người dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Bùi Văn Hiệu, ngay sau khi phát động xây dựng nông thôn mới, bằng việc tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân dần thay đổi. Những khó khăn trong vận động người dân hiến đất thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội, qua thời gian tuyên truyền, mọi người đều đồng tình hưởng ứng; cá biệt, có nhiều hộ sẵn sàng hiến đất với số lượng lớn như gia đình ông Nguyễn Thế Lai, ấp Bàu Sen hiến 3ha; ông Ngô Văn Phát, ấp Sậy Giăng hiến 5ha; ông Nguyễn Văn Khình, ấp Tà Nu hiến 4ha;...

Nhưng có lẽ, thay đổi lớn nhất của người dân chính là về tập quán canh tác, sản xuất. Từ việc sản xuất nhỏ, lẻ, giống chất lượng thấp, nay người dân tự nguyện đăng ký tham gia vào cánh đồng lớn, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Đến nay, toàn tỉnh có số tiêu chí bình quân/xã đạt 15,1 tiêu chí, có 50 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 31,2 triệu đồng/người/năm. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 53,6% tổng số xã.

Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh khẳng định, muốn xây dựng thành công nông thôn mới, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân để huy động sức mạnh của toàn dân vào xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng quê hương. Người dân thấu hiểu, chắc chắn xây dựng nông thôn mới sẽ dễ thành công./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết