Tiếng Việt | English

12/06/2018 - 20:39

Đổi thay ở xã nông thôn mới

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2016, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, so với bộ tiêu chí mới, địa phương còn nhiều tiêu chí đạt thấp cần nâng chất trong thời gian tới.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường liên ấp được trải nhựa khang trang

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường liên ấp được trải nhựa khang trang

Tập trung xây dựng đường giao thông

Trong quá trình xây dựng xã văn hóa, NTM, địa phương huy động trên 105 tỉ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó, người dân đóng góp 30 tỉ đồng. Đến nay, 100% đường xã, liên xã được nhựa hóa, cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Ông Võ Văn Phiên, ngụ ấp Thuận Nam, không những hiến hàng trăm mét vuông đất (trị giá 300 triệu đồng) làm đường giao thông nông thôn mà còn vận động nhiều hộ dân trong ấp cùng tham gia. “Nhìn tuyến đường rộng rãi, khang trang, người dân đi lại thuận lợi, tôi cảm thấy rất vui” - ông Phiên phấn khởi nói.

Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thành - Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2013, khi phát động xây dựng NTM, xã chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, đến nay, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, các tuyến đường liên ấp, liên xã đều được mở rộng, cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, người dân hiến đất trị giá trên 10 tỉ đồng thực hiện tuyến Đường tỉnh 830”.

“So với trước đây, xã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Chúng tôi rất đồng tình và quyết tâm cùng địa phương giữ vững danh hiệu xã văn hóa, NTM” - ông Trần Văn Hai, ngụ ấp Thuận Tây 1, chia sẻ.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng/năm. Số người có việc làm thường xuyên chiếm hơn 93% dân số toàn xã. Ngoài trồng rau màu, nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sạch, người dân còn quan tâm phát triển các ngành, nghề truyền thống mang lại thu nhập cao, nhất là nghề kim hoàn. Anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ ấp Thuận Tây 1, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cơ sở sản xuất kim hoàn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất hơn 1.000 loại trang sức bạc với mẫu mã phong phú, đẹp mắt,... Anh Tùng cho biết: "Từ khi ứng dụng kỹ thuật, thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất, sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình trở nên khá giả, góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động nông thôn, với nguồn thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng".

Nghề kim hoàn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã

Nghề kim hoàn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã

Toàn xã hiện có 100% hộ dân sử dụng điện; 5/5 ấp có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân; trường học được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng việc dạy và học; 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, địa phương có kế hoạch dẫn nguồn nước sạch từ các nhà máy nước trên địa bàn huyện về phục vụ người dân, bảo đảm đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 65% trở lên.

Mặc dù không phải xã điểm của huyện nhưng sau thời gian ngắn nỗ lực, Thuận Thành sớm về đích NTM. “Tuy nhiên, qua ra soát theo bộ tiêu chí mới, xã còn một số tiêu chí đạt thấp: Giao thông, môi trường, y tế. Để từng bước nâng chất các tiêu chí, địa phương đề ra kế hoạch cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2018 hoàn thành 19/19 tiêu chí theo chuẩn mới” - ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết