Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 7 sẽ chính thức diễn ra tại (Washington DC) vào ngày 23 và 24/6 (theo giờ địa phương), xoay quanh các lĩnh vực an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân với chương trình nghị sự bao gồm một loạt các chủ đề, từ tin tặc, an ninh biển, đầu tư song phương, nhân quyền, tình hình Hồng Kông cho đến biến đổi khí hậu. Hai bên cũng sẽ tiến hành tham vấn nhằm đẩy mạnh quan hệ trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, khoa học-công nghệ và y tế. Cuộc đối thoại lần này còn là nền tảng để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ tuần tra trên Biển đông (Ảnh cắt từ video clip của Hải quân Mỹ, đăng trên Washington Post)
Được khởi xướng vào năm 2009, Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên là diễn đàn để Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác, giải quyết thách thức, cũng như thu hẹp bất đồng trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
Trước những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông và các vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Mỹ, an ninh sẽ là chủ đề gai góc nhất tại cuộc đối thoại sắp tới. Trong buổi họp báo gần đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel đã nêu rõ rằng đối thoại chiến lược về an ninh sẽ có sự tham gia của các quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao của hai nước nhằm thảo luận những vấn đề khó khăn, nhạy cảm, gây tranh cãi nhất và có khả năng tạo ra sự mất lòng tin chiến lược, đặc biệt là tin tặc và nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không.
Tiếp sau việc Washington cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin của các công ty Mỹ, Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ đã trở thành nạn nhân mới nhất của một vụ tấn công mạng quy mô lớn, và mọi nghi ngờ lại một lần nữa đổ dồn về Trung Quốc. Phía Mỹ đang lo ngại rằng những thông tin về cá nhân và quan hệ của hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ được lưu trữ tại đây đã bị rò rỉ và nếu thực sự Trung Quốc đứng đằng sau vụ việc này thì Bắc Kinh có thể sử dụng những thông tin trên để gây sức ép lên công dân Trung Quốc có liên hệ với Mỹ cũng như các nhân viên chính phủ Mỹ, hoặc thậm chí sẽ được sử dụng để chiêu mộ gián điệp tại Mỹ. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra nhưng nếu những nghi vấn về tin tặc Trung Quốc được khẳng định thì chắc chắn Mỹ sẽ phải có hành động đáp trả.
Trong khi đó, Mỹ cũng phải tìm cách tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn Biển Đông như tuyên bố “Mỹ sẽ không nhắm mắt làm ngơ” gần đây của Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nhưng không đẩy chuyện này đi quá xa trong cuộc đối thoại sắp tới để tránh ảnh hưởng tới quan hệ chung giữa hai nước vì một số lý do. Thứ nhất, quan hệ kinh tế hai bên đang khá ổn định với lượng giao dịch thương mại khổng lồ lên tới hơn 500 tỷ đô la/năm. Trung Quốc cũng đang nắm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lên tới trên 1300 tỷ đô la và cũng là thị trường đầu tư lớn của các doanh nghiệp Mỹ. Trong bối cảnh triển vọng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định được xem là nhằm hạn chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực vành đai Thái Bình Dương, vẫn còn chưa rõ ràng do những bất đồng sâu sắc trong Quốc hội Mỹ, thì Washington đang cố gắng khuyến khích Trung Quốc cởi mở hơn và tuân thủ các nguyên tắc kinh tế chung.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ thậm chí còn không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á do Trung Quốc khởi xướng, một động thái mà giới quan sát cho là nhằm giám sát sự minh bạch của ngân hàng này. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Mỹ còn cần sự phối hợp của Trung Quốc để đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu như chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran, quá trình chuyển đổi tại Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố và dịch bệnh…
Ngoài ra, hai bên cũng sẽ cố gắng không để mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông hay tin tặc trở nên quá gay gắt trong cuộc đối thoại sắp tới nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu cũng là vấn đề rất được trông đợi tại đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7. Cuộc đối thoại tại Bắc Kinh vào năm 2014 đã tạo tiền để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma (Barack Obama) thông báo đạt được thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu trong cuộc gặp diễn ra tháng 11 cùng năm. Theo đó, Mỹ cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống thấp hơn từ 26% đến 28% so với mức của năm 2005 vào năm 2025, trong khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch trong toàn bộ các nguồn năng lượng lên 20% vào năm 2030. Tại cuộc đối thoại lần này, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew sẽ đồng chủ tọa phiên họp chung về hợp tác Mỹ-Trung trong cắt giảm khí thải và phát triển năng lượng sạch.
Năm nay, Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 12, và do vậy mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía Mỹ và Trung Quốc, hai nước đang chiếm tới 1/3 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới. Việc trong những ngày tới hai bên có thể đưa ra những cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải sẽ góp phần khích lệ và mở đường cho những thỏa thực chất về chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị Paris./.
Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington