Tiếng Việt | English

05/01/2017 - 09:33

Đối thoại tháo gỡ những khúc mắc dự án Khu công nghiệp An Nhựt Tân

Dự án Khu công nghiệp (KCN) An Nhựt Tân tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, được phê duyệt cách đây 10 năm nhưng nhiều năm qua, người dân trong vùng quy hoạch liên tục khiếu nại, khiếu kiện về các quyết định hành chính của UBND huyện cũng như các chế độ bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư,...

Liên quan đến dự án này, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân để tháo gỡ khúc mắc.

Trả lời cụ thể bằng văn bản

Ngày 29/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cùng lãnh đạo các ngành chức năng, UBND huyện Tân Trụ đối thoại với 82 hộ dân có đất bị thu hồi nằm trong dự án KCN An Nhựt Tân tại ấp 4 và ấp 5. Hầu hết các kiến nghị đều tương tự với kiến nghị tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các hộ dân vào ngày 23/9/2016.

Các kiến nghị xoay quanh việc: Thiếu đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc, thiếu diện tích đất (diện tích đất đo đạc nhỏ hơn diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và giá bồi thường thấp. Ngoài ra, một số hộ dân đề nghị hệ số chuyển đổi nghề từ 1,5 đến 5 lần, mức hỗ trợ di chuyển chỗ ở từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/hộ và các vấn đề liên quan đến tái định cư, giá mua nền cao,... Các kiến nghị đều được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời cụ thể bằng văn bản.


Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thẳng thắn trao đổi với người dân nhiều vấn đề liên quan đến dự án

Theo đó, trường hợp bà Lê Thị Ngọc Dung yêu cầu bồi thường nhà ở của con bà là Trần Duy Phương vì xây dựng mới phát sinh sau thời gian kê biên, thông báo thu hồi đất với diện tích 53m2. Sự việc này, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần trả lời: “Căn cứ theo các quy định thì không thực hiện bồi thường nhà ở xây dựng mới phát sinh sau thời gian kê biên”.

Đối với những hộ dân phản ánh bồi thường thiếu diện tích, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: “Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo thực tế khác với diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế. Vì vậy, việc khiếu nại của các hộ dân là không phù hợp quy định nên không xem xét bồi thường”.

Với các thắc mắc về đơn giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: “Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (do UBND huyện Tân Trụ thuê thẩm định giá đất) khẳng định, đơn giá đất bồi thường đưa ra là sát với giá thị trường. Chủ tịch UBND tỉnh thông báo cho các hộ dân biết, có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập, có tư cách pháp nhân, được Nhà nước công nhận để xác định, thẩm định lại giá đất và gửi kết quả về UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh không nhận được kết quả nào của đơn vị tư vấn độc lập do các hộ dân thuê để xác định, thẩm định lại giá đất nên việc khiếu nại về giá đất không được xem xét, giải quyết”.

Về đề nghị hệ số chuyển đổi nghề 1,5 đến 5 lần, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: “Không có cơ sở giải quyết. Việc này cũng dựa theo Nghị định 47/2014, ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Hiện nay, tỉnh thực hiện thống nhất theo Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND, ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh là 0,4 lần”.

Về yêu cầu nâng giá bồi thường về nhà ở, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: “Dự án KCN An Nhựt Tân được tính lại theo đơn giá mới được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 57/2016/QĐ-UBND, ngày 18/10/2016 về bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 58/2016/QĐ-UBND, ngày 19/10/2016 quy định về đơn giá xây dựng mới loại nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc và đơn giá mồ mả để bảo đảm phù hợp với giá thị trường. Một số đơn giá tại các quyết định này cao hơn so với đơn giá tại các quyết định cũ”,...

Mong người dân đồng thuận

Tại cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung công bố phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 82 hộ dân liên quan đến dự án KCN An Nhựt Tân do UBND huyện Tân Trụ ban hành ngày 26/12/2016. Ngay sau đó, UBND huyện trao bảng chiết tính bồi thường chi tiết cho từng hộ dân có đất nằm trong diện thu hồi làm dự án.

Theo ông Trịnh Phước Trung, tổng diện tích đất thu hồi của người dân để triển khai thực hiện dự án KCN An Nhựt Tân là 359.146m2. Đơn giá bồi thường theo Quyết định số 2156/QĐ-UBND, ngày 27/5/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt hệ số điều chỉnh đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện KCN An Nhựt Tân.

Đối với đơn giá bồi thường tài sản trên đất và các chính sách hỗ trợ áp dụng theo các quyết định mới hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời là bảo đảm phù hợp với giá thị trường.

“Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 100,8 tỉ đồng. Qua rà soát, trong năm 2007, các hộ dân được chi trả trên 37,7 tỉ đồng. Theo đó, số tiền nhà đầu tư mới được chuyển tiếp sau này để thực hiện dự án là Công ty An Nhựt Tân - Long An phải chi trả cho các hộ dân trên 63,1 tỉ đồng” - ông Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung, khu tái định cư được quy hoạch tại ấp 5 có 223 nền với 3 loại: 80m2, 90m2 và 100m2. Theo đó, các mức giá được đưa ra 2.896.000 đồng/m2; 2.414.000 đồng/m2 và 1.931.200 đồng/m2.

Đối với hỗ trợ, tái định cư bằng tiền được thực hiện theo Quyết định 2156/QĐ-UBND, ngày 27/5/2016 của UBND tỉnh. Theo đó, có 5 trường hợp có mức hỗ trợ khác nhau.

Dự án KCN An Nhựt Tân được khởi công từ năm 2006, khi đó, Cty Thép Long An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên qua thời gian dài, dự án vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Cũng liên quan dự án này, các hộ dân có đất nằm trong diện thu hồi khiếu nại rất nhiều lần từ tỉnh đến Trung ương cũng như khiếu kiện các quyết định hành chính của UBND huyện Tân Trụ ra tòa án.

Ngoài ra, theo phương án này, các hộ dân trong khu vực dự án có nhu cầu di dời mồ mả thì được bố trí đất để cải táng tại Nghĩa trang nhân dân xã An Nhựt Tân ở ấp 6.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết: “UBND tỉnh đồng tình với phương án bồi thường được Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tân Trụ đưa ra. Mong rằng, các hộ dân đồng thuận với phương án này để KCN An Nhựt Tân sớm đi vào hoạt động, tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển KT-XH của huyện, tỉnh”.

Riêng việc tái định cư chậm trễ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ghi nhận những bức xúc của các hộ dân, trong đó có vấn đề về chất lượng thi công công trình,... Những kiến nghị, khiếu nại chính đáng của các hộ dân, lãnh đạo tỉnh đều quan tâm giải quyết.

“Vấn đề nào, các hộ dân thấy hợp lý, thấu đáo rồi thì rất mong các hộ dân đồng tình, hợp tác với tỉnh, chính quyền địa phương, nhà đầu tư để KCN được triển khai, sớm đi vào hoạt động” - ông Trần Văn Cần mong muốn./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết