Những năm gần đây, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã không còn xa lạ với việc lãnh đạo các cấp ủy đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe và giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH tại địa phương.
Thực tế cho thấy, đối thoại là cách vận động quần chúng linh hoạt, hiệu quả nhằm tìm tiếng nói chung từ người dân đối với các chủ trương lớn của tỉnh cũng như của địa phương. Việc tổ chức đối thoại với nhân dân, một mặt nắm được những suy nghĩ, nhận thức của người dân đối với các quyết sách của chính quyền; kịp thời giải quyết những bức xúc trong nhân dân, ngăn ngừa những tư tưởng lệch lạc và định hướng đúng cho người dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của địa phương. Mặt khác, tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức để có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Có thể nói, việc đối thoại trực tiếp để giải quyết những vấn đề người dân quan tâm đã thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận của cấp ủy Đảng, chính quyền. Nhờ đến tận nơi, lắng nghe từng ý kiến của người dân nên lãnh đạo có thể giải quyết thấu đáo, kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của họ. Đồng thời, đối thoại trực tiếp với nhân dân là một diễn đàn dân chủ, qua đó, các đồng chí bí thư cũng như các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ giữa Đảng bộ với nhân dân, thấy được những hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành, những vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết ngay. Đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân cũng là cách dân vận linh hoạt, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, xây dựng được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
MI TRẦN