Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - chủ trì cuộc họp với các sở ngành tỉnh và 12 huyện thị, thành phố nhằm ứng phó với hai đợt triều cường và lũ thượng nguồn sắp tới - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Chiều 30/9, tỉnh Đồng Tháp họp Ban Chỉ đạo ứng phó thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, nhằm rà soát diễn biến mưa lũ trong thời gian qua và lên kế hoạch ứng phó với hai đợt triều cường ngày 5/10 và 20/10 sắp đến.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, khu vực đầu nguồn đạt đỉnh triều vào ngày 4 và 5/10 (1/9 âm lịch), mực nước cao nhất tại Hồng Ngự là 3,35m, đạt đỉnh năm 2024 từ ngày 18 và 20/10 (15/9 âm lịch) với mực nước 3,5m, mức báo động cấp I (cao hơn đỉnh triều tháng 9 vừa qua từ 0,2-0,3m).
Khu vực nội đồng Tháp Mười đạt đỉnh năm từ ngày 19 đến 22/10, báo động cấp II - cấp III, mực nước cao nhất năm tại Trường Xuân ở mức 2,3m (cao hơn đỉnh triều tháng 9 vừa qua 0,3-0,4m).
Tại các huyện thị khu vực phía nam tỉnh Đồng Tháp, đỉnh triều cao nhất năm vào ngày 18 đến 20/10; ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng từ 0,1 - 0,2m, mực nước cao nhất năm tại Cao Lãnh ở mức 2,45 - 2,55m.
Theo nhận định, đỉnh lũ năm 2024 ở mức cao hơn năm 2023 từ 0,1 - 0,4m. Các huyện, thành phố khu vực đầu nguồn các huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình hiện trạng các ô bao tương đối ổn định, đảm bảo sản xuất.
Tuy nhiên, mực nước lũ nội đồng đang lên nhanh, do đó một số ô bao thuộc xã Hưng Thạnh, Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười; ô bao số 37 và ô bao số 41 thuộc xã Phú Cường, huyện Tam Nông có nguy cơ bị tràn khi nước lũ lên cao kết hợp mưa lớn cục bộ. Các huyện, thành phố khu vực phía nam, một số vùng có nguy cơ bị tràn khi nước lũ lên nhanh kết hợp mưa lớn.
Người dân tăng cường rào lưới bảo vệ diện tích các ao nuôi cá ứng phó với triều cường - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay tỉnh tập trung ứng phó hai đợt triều cường đạt đỉnh sắp tới, chủ động ứng phó, đặc biệt không để phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp; rà soát, bảo vệ những điểm xung yếu; hướng dẫn cho người dân ứng phó khi mực nước tăng.
"Bảo đảm những khu sản xuất nông nghiệp trọng yếu, khảo sát đánh giá và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, đánh giá chính xác nhiệm vụ của từng ngành. Đài khí tượng theo dõi sát, cung cấp thông tin dự báo kịp thời; hỗ trợ các địa phương kinh phí chống thiên tai; các lực lượng vũ trang có phương án bảo vệ người dân, chuẩn bị lực lượng ứng phó khi xảy ra", ông Nghĩa nói./.
|
Vùng hạ lưu của hai sông Vàm Cỏ (TP.Tân An và các huyện vùng hạ ven sông) có những đợt triều cường mạnh vào tháng 9,10, 11 và tháng 12/2024.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-bang-song-cuu-long-don-dinh-lu-vao-ngay-20-10-20240930172533537.htm