Những dự án giao thông làm thay đổi diện mạo
Trong nhiều năm qua, Long An chú trọng thực hiện "Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh". Điều này đáp ứng tốc độ lan tỏa về phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của TP.HCM tới các tỉnh lân cận ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, Long An - địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ kết nối các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, có quỹ đất dồi dào, tiềm năng đa dạng,… nên có nhiều lợi thế trong tiếp nhận “làn sóng” lan tỏa đó.
Tỉnh đã tập trung đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm (Ảnh: THANH NGA)
Tuyến Đường tỉnh (ĐT) 830 được xem là trục động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ tại Long An. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm Group - Võ Quốc Thắng, hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng đồng bộ, nhất là có thể kết nối các khu, cụm công nghiệp với Cảng Quốc tế Long An. Trong đó, ĐT830 kết nối từ huyện Đức Hòa đến Cần Giuộc. Nhờ có tuyến ĐT830, năng lực vận chuyển hàng hóa của tỉnh tăng đáng kể, tháo gỡ nút thắt về liên kết vùng. Cũng từ đó, khu vực hai bên trục đường này trở thành “điểm đến” của nhà đầu tư, hình thành và phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp sầm uất.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, sau hơn nhiều năm thi công, ĐT830 hoàn thành, tạo tiền đề để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ,… Từ khi ĐT830 được đầu tư mở rộng, các xã vùng hạ huyện Cần Đước được hưởng lợi lớn, người dân đi lại thuận tiện hơn; các dự án đô thị, dịch vụ, thương mại cũng phát triển mạnh mẽ. Tiếp nối ĐT830, tuyến đường ĐT830E đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 5856/QĐ-UBND, ngày 23/6/2021 và phê duyệt điều chỉnh theo Quyết định số 1202/QĐ-UBND, ngày 11/02/2022. Tuyến đường này dài trên 9,3km, điểm đầu tại vị trí nút giao Bến Lức của cao tốc TP.HCM - Trung Lương, điểm cuối kết nối ra ĐT 830 (xã Long Định, huyện Cần Đước). Khi tuyến đường được hoàn thành sẽ tạo liên kết nội vùng trong tỉnh, kết nối với TP.HCM và vùng lân cận, nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển KT - XH địa phương. Qua đó, doanh nghiệp (DN) đầu tư tại Long An sẽ dễ dàng kết nối với thế giới và thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập khẩu, giúp DN rút ngắn thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Đường Vành đai TP.Tân An được kỳ vọng thúc đẩy tốc độ đô thị hóa. Đến nay, diện mạo tuyến đường Vành đai TP.Tân An được hình thành rõ nét. Đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện các gói thầu để tuyến đường nhanh chóng hoàn thành. Đường Vành đai TP.Tân An dài hơn 23km, rộng 33m, điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - ĐT833 (TP.Tân An). Tuyến đường được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, vốn đầu tư 158 triệu USD. Khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai TP.Tân An sẽ phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, giảm tải cho Quốc lộ 1, xe container, xe tải lớn sẽ không phải đi vào TP.Tân An, tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuyến đường Vành đai TP.Tân An khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo trục xương sống cho thành phố, mở ra các hướng phát triển mới, đặc biệt là phát triển đô thị.
Kết nối liên vùng
Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp và một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực phía Nam. Bên cạnh đầu tư các tuyến đường nội tỉnh, tỉnh còn đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ; đồng thời, kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh.
Trong nhiều năm qua, tỉnh chú trọng thực hiện “Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh" (Ảnh: THANH NGA)
Theo đó, tháng 12/2021, UBND tỉnh tỉnh tổ chức lễ khởi công ĐT823D, khi hoàn thành sẽ hoàn chỉnh thêm trục giao thông kết nối giữa tỉnh Long An và TP.HCM, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. ĐT823D là trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM, có tổng chiều dài khoảng 14,2km, mặt đường 6 làn xe, rộng 25m, nền đường rộng 40m. Tuyến bắt đầu từ điểm giao với đường mở mới Tây Bắc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Điểm cuối tại nút giao vòng xoay Hậu Nghĩa, giao với Quốc lộ N2 - đường Hồ Chí Minh. Tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỉ đồng, trong đó, thi công, giám sát với số vốn gần 1.000 tỉ đồng. UBND huyện Đức Hòa làm chủ đầu tư với tổng diện tích giải phóng mặt bằng 106ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng.
Tuyến đường này hoàn thành sẽ qua các khu công nghiệp quan trọng của huyện Đức Hòa và kết nối với TP.HCM. Tuyến đường được đầu tư nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện hạ tầng, mở rộng mạng lưới giao thông vận tải của Long An, kết nối giao thông khu vực huyện Đức Hòa với TP.HCM qua tuyến đường mở mới Tây Bắc - kết nối các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên thông qua đường Chơn Thành - Đức Hòa, Quốc lộ 14,… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Bắc tỉnh Long An nói riêng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế tỉnh Long An nói chung.
Dự án ĐT826E (còn gọi là đường ấp 3 Long Hậu) được khởi công vào tháng 6/2022, điểm đầu giao với ĐT826C và điểm cuối giao đường nhựa Khu công nghiệp Long Hậu, tổng chiều dài tuyến trên 2,7km. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, nền đường rộng 40m, quy mô 6 làn xe, dải phân cách giữa rộng 1,5m, vỉa hè rộng 8m, vận tốc thiết kế khoảng 60km/h, tải trọng 12 tấn. Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác, ĐT826E thành phần 2 góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương, tăng cường kết nối các khu, cụm công nghiệp, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và đẩy nhanh quá trình phát triển KT - XH của tỉnh. Đồng thời, dự án góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Theo đó, tuyến đường này là tuyến đường kết nối với Quốc lộ 50, trục động lực Tây Nam (đường Phạm Hùng nối dài của TP.HCM) đến Khu công nghiệp Long Hậu, đường Nguyễn Văn Tạo (TP.HCM); đường Tân Tập - Long Hậu (đến Cảng Quốc tế Long An), Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM)./.
Mai Hương