Các tỉnh giới thiệu sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp tại hội nghị
Tại Bạc Liêu, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần 2 năm 2019. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Nguyễn Quang Dương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Lê Quang Tùng cùng đại diện lãnh đạo của các tỉnh, thành ĐBSCL.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu nhận định, mặc dù có tiềm năng rất phong phú nhưng nhìn chung, du lịch toàn vùng ĐBSCL chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng, đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các địa phương trong vùng. Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP.HCM đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL, vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những "đòn bẩy" quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TP.HCM. “14 địa phương vừa có điểm chung, vừa có sự khác biệt. Do đó, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần hình thành một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, liên kết du lịch một địa phương không thể làm được mà cần có sự tham gia của các tỉnh. Các địa phương cần khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch lẫn nhau và liên kết những sản phẩm du lịch này nhằm xây dựng kế hoạch, chương trình du lịch cụ thể cho toàn vùng. Các tỉnh, thành cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia, để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch ở các lĩnh vực: Cơ chế điều hành liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực vùng và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng. Theo đó, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thống nhất thành lập Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; tổ chức hội thảo về cơ chế pháp lý liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Các tỉnh cam kết hoàn thành và đưa ra thị trường ít nhất 3 tuyến du lịch mới, đặc trưng, kết nối TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong năm 2020, gồm: Những nẻo đường phù sa (TP.HCM - Long An (Happy Land) - Tiền Giang (Cù lao Tân Phong) - Vĩnh Long (Đệ Nhất Homestay) - Cần Thơ (Chợ nổi Cái Răng) - Hậu Giang (Thanh Bình miệt vườn) - Sóc Trăng (Nét đẹp Văn hóa Khmer) - Bạc Liêu (Ngắm cánh đồng điện gió) - Cà Mau (Chinh phục cực Nam Tổ quốc), Non nước hữu tình (TP.HCM - Tiền Giang (Mỹ Tho Đại Phố) - Bến Tre (Thành phố dưới những tán dừa) - Trà Vinh (Độc đáo Văn hóa Khmer) - Cần Thơ (Điểm sáng Du lịch Cộng đồng Cồn Sơn) - Bạc Liêu (Ngắm Cánh đồng Điện Gió lớn nhất Việt Nam) - Cà Mau (Chinh phục cực Nam Tổ quốc), Sắc màu vùng biên (TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang),…/.
Linh Nguyễn