UBND tỉnh Long An vừa tổ chức Phiên họp thường kỳ quí I/2024 với các sở, ngành, địa phương để đánh giá tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024. Qua báo cáo của UBND tỉnh, chúng ta hết sức phấn khởi khi tình hình KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt có nhiều lĩnh vực đạt cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2023, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.
Nổi bật là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quí I/2024 ước đạt 4,83%. Trong đó, khu vực I tăng 2,96%, khu vực II tăng 5,35%, khu vực III tăng 6,22%. Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so cùng kỳ 3 năm trở lại đây, chứng tỏ kinh tế của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ.
Thu ngân sách đạt kết quả rất tích cực. Đến ngày 31/3/2024, tổng thu ngân sách được 8.639 tỉ đồng, đạt 40,58% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 60,93% so cùng kỳ năm 2023.
Đầu tư công cũng đạt kết quả khá tốt và trở thành một trục động lực tăng trưởng, đến ngày 20/3/2024 đã giải ngân hơn 1.484 tỉ đồng trên tổng số 7.745,17 tỉ đồng UBND tỉnh đã phân bổ. Nhiều dự án giao thông lớn được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh như đường Vành đai 3 TP.HCM, Đường tỉnh 830E, Đường tỉnh 827E (nay là Quốc lộ 50B),...
Bên cạnh những mặt tích cực, UBND tỉnh cũng đánh giá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn; xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu làm cho thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng cho khối thị trường không được như kỳ vọng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra. Dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi còn xảy ra; tình hình tiêu thụ nông sản chưa ổn định; giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm lợi nhuận của người dân. Lãnh đạo chính quyền một số nơi chưa thật sự quyết liệt, xuyên suốt, thiếu giải pháp khả thi và đồng bộ.
Đặc biệt, tuy tăng trưởng kinh tế quí I-2024 của tỉnh tăng cao so cùng kỳ những năm gần đây nhưng so với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh lại đứng thứ 6 và đứng tới thứ 42 của cả nước. Điều đó cho thấy, kết quả so với mặt bằng chung còn thấp.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 đề ra, nhất là phấn đấu tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, các cấp, các ngành cần phải triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ, công tác trọng tâm phát triển KT-XH năm 2024; triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn;…
Toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phải bản lĩnh, phát huy tinh thần “7 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu khó khăn thách thức, dám thực hiện vì lợi ích chung), đoàn kết, thống nhất, thể hiện ý chí, quyết tâm tạo đột phá mới, giá trị mới; tập trung, dồn sức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 đã xác định.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đề nghị, UBND tỉnh cần tập trung phân tích, đánh giá làm rõ các nguyên nhân hạn chế, tồn tại. Từ đó, có các giải pháp hữu hiệu chỉ đạo, giải quyết, khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm để tạo động lực cho phát triển.
Những kết quả tích cực trong quí I/2024 thể hiện sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng, động lực để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục vượt khó, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 đã đề ra,“về đích sớm” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh trong năm 2024, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Thanh Tuyền