Tiếng Việt | English

27/10/2018 - 11:15

Đưa thực phẩm sạch vào bếp ăn tập thể

Sở Công Thương đang đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào các bếp ăn tập thể (BĂTT) tại các doanh nghiệp (DN) có đông công nhân (CN) trên địa bàn tỉnh Long An, nhằm góp phần tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao chất lượng bữa ăn CN thông qua thực phẩm an toàn.

Dồi dào nông sản

Tỉnh đang hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Sản lượng các loại cây trồng có thể kể: Lúa trên 2,7 triệu tấn/năm, cây rau trên 186.000 tấn/năm, thanh long trên 215.000 tấn/năm, chanh trên 120.000 tấn/năm, gia cầm khoảng 7,4 triệu con, bò trên 133.000 con, heo 225.000 con. Hiện các lò giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tỉnh còn có các loài thủy sản khác như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua lột, thủy sản nước ngọt với sản lượng trên 46.700 tấn/năm.

Tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap

Theo đó, có nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap, được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chỉ có một lượng nông sản được thực hiện bán buôn thông qua liên kết, phần lớn đều chịu sự chi phối từ thương lái. Từ thực trạng này, Sở Công Thương tiến hành thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với các DN tiêu thụ, đầu mối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Việc kết nối này đạt kết quả khả quan, đã có nhiều điểm bán thực phẩm, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số hợp tác xã cung ứng rau an toàn kết nối, cung cấp cho BĂTT. Để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản tiêu thụ nông sản tốt hơn, Sở Công Thương tiếp tục kết nối thông qua tổ chức đoàn trực tiếp đến DN có tổ chức BĂTT cho CN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, BĂTT trong DN bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn CN.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng cho biết: “Hiện nay, vùng nguyên liệu sản xuất rau ăn lá tại Cần Giuộc rất lớn. Nông dân có thể sản xuất đa dạng mặt hàng nhưng vẫn còn gặp khó trong tiêu thụ nên chưa mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy vậy, thời gian qua, hợp tác xã vận động các xã viên sản xuất và đạt chứng nhận VietGap, được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhờ vậy, Phước Thịnh được “tiếp sức” trong việc kết nối cung ứng rau ăn lá cho các đơn vị đầu mối tại TP.HCM. Cũng nhờ sự kết nối, Phước Thịnh đã cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả cho Công ty (Cty) TNHH Jia Hsin trên địa bàn huyện Cần Giuộc 5 năm nay. Qua đó, Phước Thịnh mong muốn được tiêu thụ nông sản nhiều hơn nữa vào các BĂTT, bởi đây là thị trường bền vững, giúp nông dân có đầu ra sản phẩm ngày càng ổn định”. Cũng nhờ kết nối, Cty Lương thực Long An đang duy trì cung ứng gạo vào hệ thống các BĂTT, các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh, mức bình quân khoảng 1.000 tấn/tháng.

Nhiều hy vọng

Qua các buổi gặp gỡ, kết nối, nhiều DN cho rằng, việc tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn rất cần thiết. Giám đốc Nhân sự Cty TNHH GreenShoes (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) - Trần Viết Thắng cho biết: “BĂTT của Cty phục vụ suất ăn cho khá đông CN. Trước thực trạng thực phẩm chưa an toàn, Cty luôn mong muốn mua những sản phẩm an toàn cung cấp cho BĂTT. Nếu các đơn vị cung cấp nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện giao hàng thuận lợi và giá cả cạnh tranh thì Cty rất ủng hộ”.

Tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap

Giám đốc Cty TNHH Giày Viễn Thịnh (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thế Linh chia sẻ: “Hàng ngày, Cty chuẩn bị suất ăn cho 1.500 CN tại đơn vị và 1.000 người tại hệ thống nhà hàng trong khu du lịch sinh thái ở TP.HCM. Nhu cầu của Cty lên đến 1,4 tấn rau, củ, quả hàng ngày. Việc kết nối tiêu thụ nông sản của Sở Công Thương là điều kiện tốt, mở ra cơ hội cho Cty có thể lựa chọn nguồn nông sản tươi ngon, an toàn cung cấp cho hệ thống nhà hàng và bếp ăn của Cty”. Đồng quan điểm với các DN khác, Phó Giám đốc Cty Cổ phần May xuất khẩu Long An - Nguyễn Thị Khôi Ba cho biết: “Cty luôn nỗ lực để tăng chất lượng khẩu phần ăn cho CN. Cty mong muốn được cung cấp thực phẩm an toàn nhưng giá cạnh tranh”.

Ông Đặng Duy Dũng cho biết thêm, hiện nông sản an toàn, có chứng nhận VietGap đưa ra thị trường có giá thành cao, bởi qua quá nhiều khâu trung gian. Trong khi đó, khi được kết nối và thực hiện mua bán trực tiếp với các BĂTT, có thể giảm khâu trung gian và giá cả có thể cạnh tranh do tiết kiệm chi phí.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, qua các buổi làm việc với DN, hiện tại, các đơn vị cung ứng nông sản bắt đầu cung ứng gạo, rau, củ, quả vào một vài BĂTT. Các DN còn lại đang tiếp tục trao đổi các phương thức giao hàng, thanh toán. Các buổi làm việc, kết nối tiêu thụ nông sản vừa qua cho thấy, DN có niềm tin vào nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN có BĂTT chưa quan tâm đến việc mua nông sản sạch phục vụ suất ăn cho CN nên khó tiếp cận để cung ứng hàng hóa. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, DN cần chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn CN thông qua thực phẩn an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe cho CN, duy trì, gìn giữ hình ảnh để phát triển bền vững./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích