Tiếng Việt | English

04/10/2018 - 19:21

Đức Hòa: Người dân than phiền vì rác

Việc xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An còn nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Rác thải vứt bừa bãi tại các đường chính dẫn vào Khu tái định cư Hải Sơn, xã Đức Hòa Hạ

Rác thải vứt bừa bãi tại các đường chính dẫn vào Khu tái định cư Hải Sơn, xã Đức Hòa Hạ

Phản ánh với Đoàn tái giám sát của HĐND tỉnh vừa qua, người dân không chỉ bức xúc về hạ tầng một số khu tái định cư chậm hoàn thiện mà còn than phiền về vấn đề môi trường, nhất là rác thải sinh hoạt.

Ông Hà Văn Lộc, ngụ xã Đức Hòa Hạ, sống tại khu tái định cư do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, bức xúc: “Tôi sinh sống tại khu tái định cư này được khoảng 10 năm. Ở đây có rất đông công nhân nên lượng rác sinh hoạt khá nhiều. Thời gian trước, theo thỏa thuận, đơn vị thu gom rác đến lấy rác 1 lần/tuần; nhưng gần đây, họ chỉ lấy rác 1 lần/tháng dẫn đến rác ứ đọng, bốc mùi hôi thối,... Không còn cách nào khác, những lúc trời nắng, tôi đem rác phơi khô rồi đốt”.

Còn chị Nguyễn Thị Hoa cho rằng: “Nỗi ám ảnh nhất đối với công nhân ở trọ tại đây chính là rác thải. Mỗi tháng, chúng tôi đóng 20.000 đồng tiền rác, vậy mà rác không được thu gom làm cho môi trường nhếch nhác, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày”.

Qua khảo sát của đoàn tái giám sát, không chỉ có rác sinh hoạt mà rác công nghiệp cũng vứt bừa bãi, từ một số đường chính của Khu công nghiệp Tân Đức - Hải Sơn đến nhà ở của người dân.

Theo UBND xã Đức Hòa Hạ, địa bàn xã có nhiều lao động nhập cư đến sinh sống và làm việc tại các công ty, xí nghiệp có trụ sở tại đây. Bình quân lượng rác mỗi ngày của xã thải ra khoảng 5 tấn. Lượng rác quá nhiều, song không có nơi tiếp nhận nên dẫn đến rác bị ứ đọng. Riêng các loại rác công nghiệp tại Khu tái định cư Hải Sơn, phần lớn do người dân sinh sống tại đó thu gom về để lựa bán ve chai nên vứt bừa bãi. Địa phương nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng chỉ được thời gian ngắn rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung, thời gian qua, khó khăn nhất của huyện chính là giải quyết vấn đề xử lý thải sinh hoạt. Hiện nay, mỗi ngày, lượng rác sinh hoạt của huyện ước từ 120-140 tấn. Chi phí vận chuyển, thu gom, xử lý rác 1 tấn rác khoảng 1,2 triệu đồng. Như vậy, tính sơ bộ, ngân sách huyện chi ra mỗi tháng khoảng 4,5 tỉ đồng; 1 năm trên 50 tỉ đồng tiền xử lý rác. Chi phí vận chuyển, thu gom và xử lý rác khá lớn trong khi điều kiện ngân sách có hạn. Nếu huyện làm tốt dịch vụ thu gom rác, người dân đóng tiền dịch vụ này, chi phí sẽ giảm xuống. Theo lộ trình đến năm 2021, ngân sách nhà nước không cấp bù tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt.

Thực tế, huyện gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. Theo ký kết, nhà máy xử lý rác ở TP.HCM chỉ tiếp nhận khoảng 100 tấn/ngày lượng rác của huyện. Số rác còn lại, huyện đưa đi xử lý tại Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa). Trong khi đó, do chưa bố trí được kinh phí nên từ năm 2017 đến nay, huyện còn nợ nhà máy này gần 5 tỉ đồng tiền xử lý rác. Từ đó, dẫn đến lượng rác tồn đọng ở các các trục đường, nhất là tại xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông và một phần xã Mỹ Hạnh Nam,...

Ông Trung cho rằng, để giải quyết vấn đề trên, huyện chủ động có nhiều giải pháp cùng các sở, ngành liên quan giải quyết, song vẫn chưa có biện pháp triệt để. Thời gian qua, có vài nhà đầu tư muốn đầu tư nhà máy xử lý rác tại huyện nhưng chưa được chấp thuận.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang yêu cầu UBND huyện Đức Hòa cần có biện pháp khả thi, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ rác để không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và cuộc sống người dân./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích