“Chính quyền điện tử” - bước chuyển trong cải cách thủ tục hành chính
Một năm nay, ông Nguyễn Minh Hiếu - Trưởng ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, không còn chờ nhận thư mời dự các cuộc họp. Bây giờ, tất cả thư mời đều được gửi qua email cá nhân, ông chỉ cần xem để dự đúng thời gian. Sự thuận lợi này bắt đầu từ đầu năm 2017, khi ông được UBND xã Đức Hòa Hạ trang bị một điện thoại thông minh, có thể truy cập Internet.
Ngoài rút ngắn khoảng cách, thời gian nhận, gửi văn bản, việc cấp điện thoại còn giúp ông Hiếu kịp thời phát hiện, thông báo những vụ, việc xảy ra trên địa bàn đến lãnh đạo xã. Ông Hiếu kể: “Thấy rác thải vứt bừa bãi trên đoạn đường vào Khu dân cư Hải Sơn, Khu công nghiệp Tân Đức và Đường tỉnh 825, tôi dùng điện thoại chụp hình, gửi đến zalo, facebook hoặc email cá nhân của lãnh đạo xã. Từ đó, lãnh đạo địa phương nắm bắt và giải quyết kịp thời, hạn chế gây bức xúc trong người dân”.
Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ - Hồ Thanh Liêm cho biết: “Bí thư và trưởng các ấp được cấp điện thoại thông minh. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí thực hiện chính quyền điện tử, xã trang bị 19 máy tính bàn cho khối ngành, đoàn thể; 17 laptop cho cán bộ, công chức đầu ngành, đoàn thể; 2 máy photo, 19 máy in, 1 máy chiếu, 1 tivi 50inch phục vụ hội nghị,...”.
Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Hành chính công huyện mang đến sự hài lòng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch
Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công, giảm thời gian hội họp,... “Đây là bước thay đổi có tính đột phá trong quy trình giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng hệ thống dữ liệu chuyên ngành. Ứng dụng hệ thống phần mềm “một cửa điện tử” sẽ công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thuộc thẩm quyền UBND xã; tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà, thời gian đi lại cho người dân, tổ chức. Việc nhận, chuyển xử lý và trả kết quả hồ sơ thực hiện trên mạng máy tính theo quy trình khép kín giữa cán bộ nhận hồ sơ - cán bộ chuyên môn. Thông tin về tình trạng giải quyết hồ sơ được lưu giữ tự động trong quá trình xử lý và đưa lên “một cửa điện tử” để công bố công khai” - ông Liêm cho biết thêm.
Từ khi thực hiện đề án chính quyền điện tử, việc giải quyết hồ sơ của xã Đức Hòa Hạ luôn tiến hành sớm, đúng thời gian hẹn, thủ tục và quy trình, nhiều đầu công việc được rút ngắn thời gian,... “Nếu trước đây, hồ sơ đăng ký kết hôn, khai sinh, xác nhận hộ tịch, chứng thực mất thời gian 5-7 ngày thì bây giờ còn 1-3 ngày, nhiều hồ sơ xử lý 1-2 giờ” - ông Liêm nhấn mạnh.
Theo lộ trình thực hiện chính quyền điện tử giai đoạn 2016-2020 của huyện, năm 2017, huyện đầu tư bộ phận một cửa 2 xã: Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Hạ, đồng thời đầu tư, trang bị hạ tầng thông tin cho 20 xã, thị trấn với kinh phí gần 3 tỉ đồng. “Từ khi trang bị, quy trình giải quyết hồ sơ nhanh, gọn hơn; kiểm soát đầu vào, đầu ra chặt chẽ. Mỗi xã, thị trấn được trang bị 1 máy quét mã vạch kết nối Trung tâm Hành chính công (TTHCC) huyện giúp người dân không phải đi lại nhiều lần mà vẫn dễ dàng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ” - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đức Hòa - Lê Văn Đức thông tin. Có thể nói, chính quyền điện tử là bước chuyển tích cực trong thực hiện CCTTHC của huyện.
Đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động
Sáng, ông Phan Hòa Máy (63 tuổi), ngụ ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, đến TTHCC nộp hồ sơ thế chấp vay ngân hàng. Trong lúc chờ đợi, ông Máy bộc bạch: “Nhân viên ở trung tâm tận tình hướng dẫn và cho phiếu hẹn, 15 giờ 30 phút cùng ngày nhận kết quả. Biết thời gian rõ ràng, tôi chủ động giờ giấc, không chờ đợi lâu. Còn lúc trước, mỗi lần nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, tôi ngồi chờ mà không biết bao giờ có kết quả; có lúc giải quyết trong ngày nhưng có khi phải đến hôm sau”.
Sau thời gian đi vào hoạt động từ tháng 7/2017, TTHCC mang lại lợi ích cho người dân như vậy! Hiện tại, có 244/329 thủ tục thuộc 32 lĩnh vực được đưa vào trung tâm. Giám đốc TTHCC huyện - Nguyễn Tấn Lực cho biết: “Đến cuối tháng 11-2017, trung tâm tiếp nhận 21.652 hồ sơ, nhiều nhất là lĩnh vực đất đai với 19.538 hồ sơ. Trung tâm giải quyết 17.220 hồ sơ, trong đó, hồ sơ giải quyết trước hạn là 7.418. Những hồ sơ về thủ tục đăng ký thế chấp, xóa thế chấp tiếp nhận vào buổi sáng được trả vào đầu giờ chiều; những hồ sơ tiếp nhận sau 15 giờ, nếu giải quyết kịp vẫn trả trong ngày, còn không sẽ hẹn trả vào sáng hôm sau”.
Hiện tại, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ. Với tinh thần trách nhiệm cao, lượng hồ sơ giải quyết mỗi ngày được thực hiện đúng quy định, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Theo ông Nguyễn Tấn Lực, hồ sơ giải quyết đúng hẹn luôn đạt trên 90%; thời gian giải quyết giảm 10% so với trước. Các thủ tục được tiếp nhận bảo đảm nguyên tắc thuận lợi, nhanh, gọn và giải quyết đúng hẹn. Trung tâm còn cho bắt số thứ tự, phát một số biểu mẫu miễn phí và hướng dẫn người dân điền theo quy định của bộ thủ tục mới do UBND tỉnh ban hành, niêm yết công khai các quy định giải quyết thủ tục hành chính như thủ tục hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ,... Từ đó, giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết hồ sơ nhanh hơn.
Cùng với chính quyền điện tử, việc đưa TTHCC đi vào hoạt động tạo bước đột phá trong CCTTHC, mang đến sự hài lòng cho người dân, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, tăng niềm tin, thu hút đầu tư, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển./.
"Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Đức Hòa về xây dựng chính quyền điện tử nhằm mục tiêu xây dựng hạ tầng thông tin chuẩn hóa, đồng bộ; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCTTHC và năng lực cạnh tranh. Trong thực hiện, huyện chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin cho các xã, thị trấn và TTHCC huyện với tổng kinh phí hơn 6,5 tỉ đồng".
Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Nguyễn Văn Út
|
Khánh Ly