Tiếng Việt | English

30/06/2015 - 14:51

EU, Mỹ “để ngỏ cánh cửa” cho Hy Lạp ở lại Eurozone

Lãnh đạo EU ngày 29/6 cảnh báo người dân Hy Lạp cần ủng hộ kế hoạch giải cứu nước này của EU hoặc sẽ phải rút khỏi Eurozone.

Theo AFP, trong bối cảnh Hy Lạp có thể sẽ phải đối mặt với khả năng bị vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 29/6 đã lên tiếng trấn an dư luận rằng, cánh cửa đàm phán vẫn đang để ngỏ và cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào cuối tuần này sẽ giúp nước này “trang bị tốt hơn” trước khi bước vào “cuộc chiến” với các chủ nợ.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (trái), Thủ tướng Italy Renzi (giữa) và Thủ tướng Đức Merkel bàn về khả năng Hy Lap ở lại Eurozone (Ảnh AP)

Mặc dù vậy, ông Tsipras cũng nêu rõ, Hy Lạp không đủ khả năng trả được khoản vay trị giá 1,5 tỷ Euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày hôm nay (30/6) khi thời điểm chương trình giải cứu Hy Lạp của các chủ nợ quốc tế đáo hạn.

“Làm sao mà các chủ nợ có thể trông đợi rằng Hy Lạp có thể trả nợ cho IMF trong khi các ngân hàng của chúng tôi đang bị bóp chết”, ông Tsipras nói.

Khi được hỏi liệu ông có từ chức nếu người Hy Lạp từ chối đề nghị bỏ phiếu “Không chấp thuận” trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, ông Tsipras nhấn mạnh, ông không phải là loại Thủ tướng muốn giữ ghế của mình “bất chấp mọi hoàn cảnh”.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker đã chỉ trích ông Tsipras. Ông Juncker tuyên bố, ông cảm thấy mình bị Đảng Syriza cánh tả của ông Tsipras “phản bội” và cho rằng, giờ là thời điểm nói hết sự thật cho người dân Hy Lạp.

Các nhà lãnh đạo khác của EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng đã lên tiếng cảnh báo, cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp cũng sẽ quyết định tương lai của nước này trong khối Eurozone.

“Câu trả lời “Không đồng ý” cũng có nghĩa Hy Lạp đang ngoảnh mặt đi với EU”, ông Juncker nói.

Nhận thức rõ rằng, việc rút khỏi khối Eurozone của Hy Lạp cũng có thể “để lại vết thương không thể lành” cho EU, các nhà lãnh đạo EU cũng lên tiếng xoa dịu rằng, cánh cửa để đàm phán cho Hy Lạp vẫn đang để ngỏ.

Cả ông Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thống nhất “sẽ cùng nỗ lực để đưa Hy Lạp quay lại bàn đàm phán”. Trong khi đó, bà Merkel tuyên bố, các cuộc đàm phán mới với Hy Lạp sẽ chỉ được tiến hành sau cuộc trưng cầu ý dân.

Tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo EU đưa ra trong bối cảnh vào cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã từ chối nâng mức hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Hy Lạp sau khi ông Tsipras tuyên bố kế hoạch trưng cầu ý dân tại nước này.

Trong một động thái ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tại nước này, Chính phủ Hy Lạp đã yêu cầu các ngân hàng và thị trường chứng khoán nước này đóng cửa trong vòng 1 tuần kể từ ngày 29/6.

Tâm trạng bất ổn của người dân Hy Lạp thể hiện rõ ràng khi hàng đoàn người xếp hàng trước các cây ATM của nước này để rút tiền dù họ chỉ được phép rút có 60 Euro/ngày.

“Tôi cảm thấy như mình đang bỏ phiếu lựa chọn một cái chết tức thời hay một cái chết từ từ”, Maria, một người quản lý tại Athens, cho biết./.

Trần Khánh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích