Tiếng Việt | English

04/01/2020 - 02:59

Gần tết, rộ lên thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả trên mạng xã hội

Gần tết, người sử dụng facebook rất bức xúc khi thỉnh thoảng tiếp nhận thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả, bởi đây là việc làm công khai vi phạm pháp luật.

Thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả trên facebook

Tiếp nhận thông tin từ một số bạn đọc, phóng viên thử tìm kiếm trên facebook cụm từ “đổi tiền giả” thì thấy có vài chục đến hàng trăm tài khoản với đủ kiểu mời gọi hấp dẫn, kèm theo đó là số điện thoại hoặc zalo công khai.  

Theo số điện thoại của một tài khoản facebook bán tiền giả, phóng viên liên hệ thì nhận được thông tin “Em chuyên cung cấp tiền giả. Chất lượng giống thật 99%. Tỷ lệ 1 triệu đổi 10 triệu. Anh có nhu cầu, xin để lại địa chỉ và số điện thoại. Em cho nhân viên giao hàng tận nơi cho anh. Để lần đầu tiên đặt hàng, tránh trường hợp đùa giỡn, mất thời gian và chi phí của bên em. Anh vui lòng đặt cọc trước cho em 30%, nhận hàng, kiểm tra hàng, ưng ý, anh thanh toán nốt. Nếu không ưng ý, nhân viên em sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc cho anh. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ zalo em…..”. Khi phóng viên hỏi thêm: Đặt cọc thế nào? Bên kia trả lời: "Chuyển khoản hoặc mua card điện thoại".

Đoạn trao đổi giữa phóng viên và tài khoản facebook bán tiền giả

Theo thỏa thuận, người mua sẽ đặt cọc bằng chuyển khoản và tiền giả sẽ được chuyển đến tận nhà trong 1-3 ngày sau.

Một tài khoản tên H.T. tranh thủ quảng cáo kèm tỷ lệ quy đổi là 1/12 (1 triệu - 12 triệu, 2 triệu - 24 triệu)….

Một tài khoản tên H.T. tranh thủ quảng cáo kèm tỷ lệ quy đổi tiền

Rõ ràng, hành vi thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và công khai trên mạng xã hội đã vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Theo một cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, pháp luật hiện hành của nước ta đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả.

Ngoài ra, hành vi thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả công khai trên mạng còn vi phạm Luật An ninh mạng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mọi người cần cảnh giác thủ đoạn của loại tội phạm này, đừng vướng vào mà vi phạm pháp luật./.

Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:

“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Châu Lộc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích