Tiếng Việt | English

28/06/2022 - 09:18

Gia đình - Nền tảng của cộng đồng, xã hội hạnh phúc

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng tâm hồn và nền tảng phát triển con người một cách toàn diện. Trong xã hội hiện đại, một gia đình tiến bộ là gia đình giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, xóa bỏ các hủ tục, lạc hậu. Một gia đình ấm no, bình đẳng và tiến bộ sẽ là gia đình hạnh phúc, tế bào lành mạnh của xã hội.

Ấm áp bữa cơm gia đình

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Cúc và ông Phan Tấn Danh (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) là hình mẫu lý tưởng cho nhiều gia đình trẻ. Mấy mươi năm sống cùng nhau, ông Danh và bà Cúc đã trải qua nhiều khó khăn, ngọt bùi trong cuộc sống. Không tránh khỏi những lúc buồn lòng nhưng ông bà luôn giữ sự cảm thông, chia sẻ cho nhau. “Cơm sôi bớt lửa” là câu “thần chú” mà cả ông Danh và bà Cúc đều thuộc nằm lòng.

Bữa cơm gia đình trở thành thói quen và là thời điểm gắn kết các thành viên trong gia đình ông Danh, bà Cúc

Ai cũng có công việc riêng nên ông bà cùng nhau sắp xếp việc cơ quan, san sẻ với nhau việc gia đình để cả đôi bên đều hoàn thành trọng trách của gia đình và xã hội. Từng là gia đình 4 thế hệ, trước đây, ông bà vừa lo việc cơ quan, vừa chăm sóc bà ngoại và mẹ. Mỗi ngày, khi bà chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình, ông giúp bà dọn dẹp nhà trước khi đi làm.

Mỗi ngày, dù bận bịu, bà Cúc luôn cố gắng nấu ăn cho cả nhà. Nhờ vậy, gia đình bà duy trì thói quen ăn bữa cơm gia đình hàng ngày. Mỗi sáng, tối, mọi người đều quây quần cùng nhau bên mâm cơm và bà Cúc xem đó là niềm vui mỗi ngày của mình. Bà Cúc chia sẻ: “Từ ngày bà ngoại và mẹ mất, tôi cảm thấy những người thân của mình ngày càng ít dần đi nên gia đình tôi luôn cố gắng gắn kết tình thân giữa các thành viên. Ở nhà ai cũng có việc riêng bận bịu nhưng đến bữa cơm là luôn chờ nhau ăn cùng, lâu dần thành thói quen”.

Sau bữa ăn, ông Danh giúp bà làm việc nhà, rồi cả hai cùng trò chuyện. Vốn công tác cùng một lĩnh vực nên ông bà có nhiều vấn đề chung để quan tâm, chia sẻ cùng nhau. Và những vất vả mỗi ngày cũng vơi đi nhờ những phút giây như vậy.

Hòa thuận, chia sẻ, thấu hiểu nhau là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình ông Dương Văn Qui (Trong ảnh: ông bà cùng nhau chăm sóc cây cảnh quanh nhà và xem đó là niềm vui)

Giống như gia đình bà Cúc, gia đình ông Dương Văn Qui và bà Huỳnh Thị Lệ (ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) cũng rất trân trọng bữa cơm gia đình. Hiện ông bà sống chung vợ chồng người con gái lớn. Mỗi ngày, ông bà dành thời gian chăm sóc, đưa rước cháu ngoại đến trường để con gái và con rể yên tâm công tác. Mỗi ngày, đến bữa cơm tối, ông bà đều đợi các con và cháu về cùng ăn bữa cơm gia đình. Với ông bà, bữa cơm quây quần cùng nhau là điều hết sức quan trọng.

Bao nhiêu năm nay, ở gia đình ông Qui, bữa cơm chiều chính là thời điểm các thành viên chia sẻ những chuyện buồn, vui trong ngày. Ông bà quan tâm, lắng nghe tâm tư, lo lắng của các con trong công việc và đưa ra lời khuyên, sự động viên bằng kinh nghiệm sống của mình, phần nào giúp các con có thể vững vàng trên hành trình đã chọn.

Tôn trọng và ủng hộ - chắp cánh ước mơ cho con

Gia đình thường được ví là nơi để trở về sau bao vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Đó vốn dĩ là nơi chốn bình yên của mỗi người. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó cho con đòi hỏi các bậc làm cha mẹ ngoài tình yêu thương vô bờ bến, còn phải có sự thấu hiểu, tôn trọng và ủng hộ con và từ đó sẽ chắp cho con đôi cánh bay cao, bay xa trong hành trình bước vào đời.

Ông Qui kể, trước đây, con trai út của ông từng thi đậu vào Học viện Hàng không nhưng không theo học mà chọn học ngành Du lịch tại Thái Lan. Biết được suy nghĩ của con, ông Qui đưa ra lời khuyên với những phân tích thiệt hơn về tương lai nhưng vẫn không thuyết phục được con. Mặc dù không đồng quan điểm với con nhưng ông bà vẫn hết lòng hỗ trợ về kinh tế và động viên con trên hành trình du học ở xứ người, bởi ông bà không muốn ép buộc con.

ông Qui nói: “Dẫu biết là mình muốn con học hàng không là hy vọng sau này con có cuộc sống ổn định, nhưng nếu con không thích thì vợ chồng tôi để con chọn lựa theo sở thích của mình. Bắt buộc con quá thì tương lai của con sẽ không được hạnh phúc. Vợ chồng tôi luôn quan niệm phải sống vì con”. Cũng chính vì quan điểm đó, lúc con trai chuyển hướng nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp ông bà cũng không tỏ ra gay gắt hay trách cứ bất cứ điều gì. Bởi, ông bà cho rằng con đã đủ trưởng thành để lựa chọn tương lai cho mình và bất cứ điều gì thuận tiện cho con, ông bà sẽ cố gắng ủng hộ hết mình.

Đại gia đình của ông Dương Văn Qui và bà Huỳnh Thị Lệ (ảnh chụp lại)

Đó có lẽ là quan điểm chung của những gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Cha mẹ luôn là người gần gũi, yêu thương và có ảnh hưởng lớn nhất với con nên nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của gia đình luôn rất quan trọng, đôi khi mang tính quyết định đến thành công và hạnh phúc lâu dài của một cá nhân.

Khi biết con trai đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào ngành học yêu thích, bà Cúc rất vui mừng và hết lời động viên con cố gắng, dù trước đây ông bà từng đưa ra cho con nhiều lời khuyên khác về định hướng nghề nghiệp tương lai. Bà Cúc kể, vợ chồng bà từng đưa ra nhiều gợi ý ngành học, nghề nghiệp cho con nhưng không ép buộc con phải nghe theo cha mẹ. Với ông bà, đó đơn giản là những gợi ý để con cân nhắc.

Không riêng việc thi cử, chọn lựa tương lai mà trong suốt quá trình học của con, ông bà cũng chưa từng so sánh hay tạo áp lực học hành cho con. Bên cạnh việc học, ông bà tạo điều kiện cho con sắp xếp thời gian hợp lý giữa học và giải trí. Theo bà, ngoài việc học hành, con cần phải được rèn luyện kỹ năng sống để có thể vững vàng hơn trong tương lai. Bà Cúc chia sẻ: “Chúng tôi không tạo áp lực cho con trong việc học vì điều đó thực ra không có ý nghĩa gì với con. Tôi với ông xã thường nói với con là cha mẹ không cần con nhất thiết phải đậu đại học. Chỉ cần con học đúng sở thích và ra trường có việc làm là được”.

Đáp lại sự tin tưởng của cha mẹ, con trai ông bà luôn tự giác ý thức, chú tâm vào việc học. Thông qua xét tuyển học bạ, em đã trúng tuyển vào Đại học Hutech. Mặc dù đã nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng con trai ông Danh và bà Cúc vẫn đang nỗ lực ôn tập để thi vào trường đại học FPT ngành Kỹ thuật truyền hình. Bởi, đó là nguyện vọng 1 của chàng trai đang ở ngưỡng cửa cuộc đời. Và tất nhiên, khi con quyết định tiếp tục thử sức để vào ngôi trường mơ ước, học ngành yêu thích, vợ chồng bà Cúc lại hết lòng động viên con nỗ lực “chạm tay” vào mơ ước của mình.

Gia đình ấm êm, xã hội hạnh phúc

Gia đình là môi trường trực tiếp giáo dục nếp sống và định hình nhân cách của mỗi cá nhân nên gia đình ấm êm, hạnh phúc sẽ góp phần tạo nên xã hội bình an, tiến bộ. Muốn xây dựng môi trường xã hội văn hóa thì trước hết mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải làm tốt vai trò của mình. Tế bào gia đình khỏe mạnh thì xã hội mới văn minh, tiến bộ.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 97% gia đình đạt chuẩn văn hóa; trên 99% ấp, khu phố đạt chuẩn ấp, khu phố văn hóa. Đó là một con số đáng khích lệ, nền tảng để tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Giờ đây, mục tiêu của việc xây dựng đời sống văn hóa là nâng cao cả về số lượng và chất lượng các danh hiệu văn hóa, đưa các phong trào thi đua đi vào thực tế cuộc sống.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đang được xây dựng và trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến. Theo mục tiêu cụ thể đề ra trong dự thảo nghị quyết, đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 90% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, hộ gia đình giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc và trên 90% xã đạt tiêu chí văn hóa, nông thôn mới, 90% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, 100% thành phố, thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh. Kèm theo mục tiêu cụ thể đó, các cấp, ngành có liên quan cũng đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất nhằm biến những con số thành thành tựu cụ thể của tỉnh nhà.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025 vừa được triển khai là lời khẳng định cho quyết tâm của tỉnh trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bắt đầu từ việc củng cố, nâng cao chất lượng của mỗi gia đình. Bộ tiêu chí được xây dựng nhằm giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình.

Chỉ có xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh mới có thể làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, xã hội phồn thịnh, hạnh phúc, văn minh./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết