Tiếng Việt | English

11/07/2016 - 11:34

Gia đình nông dân văn hóa

Là nông dân chân chất nhưng ông Phạm Thanh Hải, 61 tuổi, ở khu phố Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An luôn ý thức xây dựng gia đình văn hóa. Theo ông Hải, gia đình văn hóa ngoài hạnh phúc, hòa thuận, con cái học hành đàng hoàng,... cha mẹ còn phải luôn là người làm gương cho các con.

Gần 40 năm trước, ông Hải lập gia đình khi còn làm công nhân quốc phòng ở sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Vợ ông khi đó làm giáo viên dạy học ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dù chồng một nơi, vợ một ngả nhưng cả 2 đều tin tưởng, chung thủy đến khi cùng về mảnh đất Tân Khánh tiếp tục lập nghiệp.

“Lúc mới về đây, cuộc sống gia đình còn khó khăn. Tôi đi làm ruộng cho tập đoàn, vợ dạy học ở Khánh Hậu nhưng lương lúc ấy còn ít, phải chắt chiu nuôi con nhỏ và trang trải cuộc sống” - ông Hải kể lại.

Ngoài ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình, ông Hải (người đeo kính) còn tích cực vận động người dân tham gia các phong trào do địa phương phát động

Năm 1988, ông bắt đầu trồng lúa với hy vọng cải thiện cuộc sống gia đình và có điều kiện nuôi các con học hành. Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ông Hải tích cực học hỏi, tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật và đạt thành công. Hiện tại, với 1,2ha đất ruộng, ông sản xuất 1 năm 3 vụ lúa và có thu nhập khá.

Khi cuộc sống ổn định, năm 1994, ông xây lại nhà cửa khang trang hơn. Dù trong nhà có “của ăn của để” nhưng ông vẫn miệt mài ruộng sớm, đồng trưa. Ông Hải nói rằng: “Dù lao động cực khổ nhưng nhìn cuộc sống gia đình ổn định, con cái trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định là niềm hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ”.

Hiện tại, 2 người con của ông Hải đều làm ở TP.HCM. Người con gái làm trong Công ty Thức ăn gia súc Greenfeed, con trai làm trong ngành công nghệ thông tin. Thành công của các con hôm nay là cả quá trình dạy dỗ của cha mẹ. Vợ chồng ông Hải hay kể cho các con nghe những tấm gương vượt khó học giỏi và những trường hợp vì không học hành đến nơi, đến chốn mà cuộc sống khó khăn. Ngoài giáo dục về sự ham học, vợ chồng ông Hải còn dạy con lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế ở đời như lòng thương người, kính trên, nhường dưới,...

Vợ chồng ông luôn sống hòa thuận, thương yêu nhau để con cái cảm nhận được sự đầm ấm trong nhà. Cuộc sống vợ chồng tuy có lúc mâu thuẫn nhưng ông bà khéo léo trò chuyện với nhau, không để con cái nghe và nhìn thấy. Vì vậy, ông Hải hay nói đùa: “Tôi với vợ là đôi vợ chồng cãi nhau mà hàng xóm không bao giờ nghe”.

Ông rất tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Những việc làm tốt của ông không những góp cho đời những điều tốt đẹp mà đó là những hành động đẹp để giáo dục các con lòng nhân ái. Ông Hải từng tham gia vận động, hiến 80m2 đất và bỏ tiền ra rải đá con đường trước nhà dài 200m để gia đình ông và người dân trong xóm có điều kiện đi lại thuận tiện.

Đặc biệt, khi thấy đài nước ở khu phố không đủ phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, ông tự nguyện hiến đất để địa phương đầu tư xây đài nước phục vụ người dân trong khu phố. Ông cũng từng giúp đỡ 6 hộ thoát nghèo bền vững và tạo điều kiện việc làm cho 14 lao động nông thôn.

Gia đình ông Hải xứng đáng là gia đình văn hóa tiêu biểu, được TP.Tân An tặng giấy khen 3 năm liền. Ngoài ra, ông từng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết