Tiếng Việt | English

18/09/2019 - 20:54

Gia tăng trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh do mắc tay chân miệng thì tháng 8 có đến 4.909 ca bệnh tay chân miệng.

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Từ tháng 8 đến nay, trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị bắt đầu gia tăng tại các bệnh viện nhi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các bác sỹ cảnh báo, năm học mới là thời điểm dịch bệnh này bắt đầu lây lan nhanh chóng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh do mắc tay chân miệng thì tháng 8 có đến 4.909 ca bệnh tay chân miệng.

Đặc biệt, nửa đầu tháng 9, số trẻ mắc tay chân miệng ghi nhận tại Khoa Khám bệnh đã lên đến 4.466 trẻ, gần bằng với cả tháng 8. Tương đương với lượt trẻ mắc tay chân miệng đến khám ngoại trú, số trẻ phải điều trị nội trú cũng gia tăng theo. Trong khi tháng 7 chỉ ghi nhận 168 ca điều trị nội trú thì tháng 8 lên đến 283 ca và nửa đầu tháng 9 là 235 ca bệnh.

“Số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng cả nội trú lẫn ngoại trú đang tăng rất nhanh từ tháng 8 đến nay và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những tháng Hè,” bác sỹ Nguyễn Thành Đạt, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết. Để tránh lây lan cho các bệnh nhi khác, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã bố trí một khu vực dành riêng cho bệnh nhi tay chân miệng.

Tương tự, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang tăng từng ngày. Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, trong tháng 8, mỗi ngày, Khoa Nhiễm-Thần kinh điều trị cho khoảng 20 trẻ nội trú; đến giữa tháng 9 đã tăng lên 50 trẻ. Đáng chú ý đã có trường hợp mắc tay chân miệng độ nặng phải thở máy.

Chị Lê Thị Tuyến (33 tuổi, ngụ tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện con mình là bé Phạm Minh Tâm (5 tuổi) bị sốt cao, đưa con đi khám bệnh gần nhà, bác sỹ chẩn đoán bé sốt cao do viêm họng. Tuy nhiên chị đã điều trị thuốc cho con liên tục 3 ngày nhưng cơn sốt vẫn không giảm.

"Lúc này, trên người cháu bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nước kèm các biểu hiện hay giật mình nên tôi đã đưa con lên thẳng Bệnh viện Nhi đồng 2 để kiểm tra và được chỉ định nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng," chị Tuyến cho biết.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, phụ huynh nên để ý các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ nhằm cách ly, tránh bệnh lây lan cho trẻ khác. Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường sốt, loét miệng, nổi hồng ban, mụn nước lòng bàn tay chân... Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái… thì cần nhập viện ngay kể cả trong đêm bởi đây là những dấu hiệu bệnh trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8, toàn thành phố ghi nhận 3.088 ca mắc tay chân miệng, tăng 115% so với tháng trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay chân miệng trên toàn thành phố là 9.718 ca.

Dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cảnh báo, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa, sẽ lây lan rất nhanh nếu phụ huynh, các trường học không có biện pháp phòng ngừa.

Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa bệnh tay chân miệng, do đó phụ huynh cần chủ động phòng ngừa trẻ mắc bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà... Khi trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết