Chuyển đổi trọng tâm chính sách dân số
Thời gian qua, các cấp, các ngành chủ động phối hợp triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Theo đó, tốc độ gia tăng DS được khống chế, tỷ lệ tăng DS tự nhiên từ 2,28% (năm 1994) giảm xuống còn dưới 0,7% (năm 2017); duy trì mức sinh thay thế từ năm 2003 đến nay. Cơ cấu DS chuyển dịch tích cực; tỷ lệ phụ thuộc giảm từ 57,9% (năm 1999) xuống còn 38,3% (năm 2017). Long An bước vào thời kỳ cơ cấu DS vàng từ năm 2004. Chất lượng DS được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.
Đầu tư cho dân số chính là đầu tư cho phát triển
Mỗi cặp vợ chồng có 2 con trở thành chuẩn mực, lan tỏa trong toàn xã hội. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn dưới 3%. Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản được mở rộng đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII về công tác DS trong tình hình mới (nghị quyết), BCH Đảng bộ tỉnh Long An ban hành Kế hoạch số 50-KH/TU. Theo đó, các cấp ủy Đảng tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết và kế hoạch thực hiện của tỉnh; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể và phù hợp với từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương.
Việc chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề DS cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng DS”, với các nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6: “Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS, nâng cao chất lượng DS, phân bố DS phù hợp với quá trình phát triển”.
Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách DS mới với phạm vi rộng lớn hơn nhiều, với nhiều nội dung được mở rộng về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng DS bảo đảm phù hợp với quá trình phát triển KT-XH bền vững. DS trong tình hình mới vừa kế thừa, vừa tiếp tục đổi mới và phát triển, không chỉ dừng lại ở mục tiêu giảm sinh “Duy trì mức sinh thay thế” mà còn giải quyết toàn diện, đồng bộ về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng DS, chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang DS và phát triển, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ”.
Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Chẳn cho biết: “Thực hiện công tác DS trong tình hình mới, xã tiếp tục đưa công tác DS, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, xã lồng ghép hiệu quả các yếu tố DS trong các chương trình, kế hoạch KT-XH tại địa phương, đơn vị; phát động phong trào thi đua, đưa nội dung, chỉ tiêu DS vào xét thi đua của đơn vị, cá nhân hàng năm. Ngoài ra, xã còn tập trung đẩy mạnh tư vấn, cung cấp dịch vụ DS - sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho người dân”.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác DS trong tình hình mới nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang DS và phát triển nên một trong những biện pháp quan trọng cần triển khai hiệu quả là đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác DS.
Theo Kế hoạch 50-KH/TU, ngày 11/01/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách DS và phát triển. Thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, vận động sinh đủ 2 con, không sinh con thứ 3 trở lên. Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm đến mức thấp nhất tình trạng trẻ sinh ra bị bệnh, tật bẩm sinh, tình trạng người chưa thành niên, mang thai ngoài ý muốn.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Ths.Trần Thị Liễu thông tin: “Hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động được triển khai có chất lượng, hiệu quả với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận. Đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, hội, đoàn thể; phát huy vai trò người cao tuổi trong giáo dục con, cháu thực hiện chính sách DS. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, trang bị kiến thức và kỹ năng về DS, sức khỏe sinh sản đúng đắn cho thế hệ trẻ”.
Việc phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về DS, bảo đảm nguồn lực cho công tác DS, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho DS và phát triển cũng được chú trọng thực hiện. Trong đó, ngành ưu tiên cung cấp dịch vụ miễn phí chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ cho các hộ nghèo, cận nghèo vùng sâu, vùng xa, người thuộc diện chính sách xã hội. Phương thức cung cấp dịch vụ qua mạng là một điểm mới, qua đó tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Năm 2018, ngành Dân số tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, cung cấp dịch vụ DS-SKSS/KHHGĐ cho người dân
Tổ chức bộ máy làm công tác DS được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ DS các cấp được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển. Thực hiện công tác DS trong tình hình mới là hướng tới mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng DS. Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng thích ứng với già hóa DS; phân bố DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS còn góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
- Năm 2018, ngành DS Long An phấn đấu đạt tỷ lệ phát triển DS tự nhiên dưới 0,7%; giảm tỷ suất sinh thô 0,05‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 0,05%; 78 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó duy trì 69 xã năm 2017, đạt mới 9 xã.
- Hoàn thành chỉ tiêu vận động 101.450 người sử dụng các biện pháp tránh thai mới trong năm 2018. Cụ thể: Triệt sản 300 ca, dụng cụ tử cung 22.000 ca, bao cao su 35.800 bao, thuốc viên 37.460 viên, thuốc tiêm 4.640 liều, thuốc cấy 1.250 liều.
- Tỷ lệ giới tính khi sinh dưới 107,5 nam/100 nữ; giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi từ 0,2‰; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi về cân nặng là dưới 9%, về chiều cao dưới 18%.
- Tỷ lệ người chưa thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn dưới 5/100 trẻ đẻ sống; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản dưới 20/100.000 trẻ đẻ sống.
|
Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển. Thực hiện công tác DS trong tình hình mới là hướng tới mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng DS. Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng thích ứng với già hóa DS; phân bố DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS còn góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững./. |
Ngọc Mận - Huỳnh Hương