Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân giúp ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho vợ, chồng và con cái
Nhiều mô hình thiết thực
Xác định chất lượng DS là mục tiêu quan trọng của công tác DS, Chi cục DS-KHHGĐ Long An triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Theo đó, ngành DS phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các hoạt động lồng ghép mô hình, đề án về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố; kiểm soát mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh; CSSKSS vị thành niên/thanh niên;... trên phạm vi toàn tỉnh.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng DS là Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Mô hình là kênh thông tin hữu ích, giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh thai; khi mang thai đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước và sau sinh. Để mô hình đạt kết quả tích cực, ngành duy trì hoạt động của 37 câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân tại 15 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe cho trên 10.400 trường hợp nam, nữ chuẩn bị kết hôn.
Chị Nguyễn Thị Châu, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trước khi kết hôn, cộng tác viên DS - gia đình và trẻ em (CTV) tư vấn và vận động chúng tôi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khi đến cơ sở y tế, chúng tôi được kiểm tra sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu, kiểm tra các bệnh di truyền, giúp phát hiện những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe cho bản thân và con cái trong tương lai”.
Nhận thức rõ tình trạng MCBGT khi sinh tác động đến cấu trúc DS tương lai, Chi cục DS-KHHGĐ Long An chỉ đạo trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương tổ chức hoạt động truyền thông về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGT khi sinh và giải pháp kiểm soát. Trong năm, ngành tổ chức 300 cuộc hội thảo cấp xã, huyện; nói chuyện chuyên đề hơn 200 cuộc; lắp đặt 96 panô và in 130.000 tờ bướm tuyên truyền về kiểm soát MCBGT khi sinh;... Qua đó, từng bước nâng cao ý thức, hành vi của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng các dịch vụ y tế trong chẩn đoán giới tính, nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi,...
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Thạc sĩ Trần Thị Liễu thông tin: “Thực hiện Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển, chi cục tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động về chính sách DS cả nội dung lẫn hình thức. Trong đó, tập trung vào đối tượng khó tiếp cận; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các mô hình ở địa phương; kịp thời biểu dương, khuyến khích các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt nhằm phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình”.
Siêu âm chẩn đoán, sàng lọc dị tật thai nhi nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời
Hiệu quả công tác truyền thông
Công tác truyền thông, vận động luôn được xem là giải pháp thực hiện thành công công tác DS-KHHGĐ. Châu Thành là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này. Năm 2017, ngoài tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, ngành DS huyện còn cấp phát hơn 4.400 tờ rơi, tờ bướm; treo 129 băng rôn tuyên truyền; tổ chức 712 cuộc họp nhóm có trên 9.500 người dự; tổ chức 64 cuộc nói chuyện chuyên đề với trên 4.700 người tham gia; vãng gia hơn 7.800 hộ gia đình.
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Châu Thành - Phạm Văn Lý cho biết: “Truyền thông góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc tham gia, hưởng ứng chương trình mục tiêu DS-SKSS. Huyện có 195 CTV là nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ đến người dân. Từ đó, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn được triển khai thuận lợi, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Thời gian tới, ngoài đẩy mạnh truyền thông, huyện phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đầy đủ và kịp thời cho các đối tượng”.
Không riêng Châu Thành, các địa phương khác như Bến Lức, Cần Đước,... cũng chú trọng công tác truyền thông DS, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Ông Nguyễn Văn Toán, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, cho biết: “Vợ chồng tôi có 2 con đều là gái nên nhiều lúc bị áp lực từ gia đình vì cho rằng, không có con trai không ai nối dõi tông đường và chăm sóc khi về già. Thế nhưng, khi được CTV DS tuyên truyền về chính sách DS của Nhà nước, vợ chồng tôi quyết tâm dừng lại ở 2 con dù là gái để nuôi dạy tốt”.
Việc tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức lợi ích của CSSKSS/KHHGĐ và cùng chung tay thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng DS có vai trò quan trọng. Bởi, nâng cao chất lượng DS là “đòn bẩy” phát triển KT-XH của tỉnh.
Soi tươi giúp xác định tác nhân gây viêm âm đạo, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn
Năm 2017: Tỷ suất sinh thô toàn tỉnh là 13,07%, giảm 0,06% so với năm 2016, đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ tăng DS tự nhiên 0,635%, đạt chỉ tiêu giao (dưới 0,7%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 2,75%, giảm 0,37% so năm 2016, đạt 370% kế hoạch; tỷ số giới tính khi sinh 106,53 bé trai/100 bé gái, giảm 2,02% so năm 2016 (108,55 bé trai/100 bé gái), đạt chỉ tiêu (dưới 108 bé trai/100 bé gái).
Toàn tỉnh có 69/192 xã, phường, thị trấn; 801/1.035 ấp, khu phố đạt chuẩn mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Năm 2017, toàn tỉnh có 5.988 cặp kết hôn, trong đó có 5.696 cặp được tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chiếm 95,10%/tổng số cặp kết hôn trong năm (chỉ tiêu 95%).
Về sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực hiện tại cơ sở kỹ thuật công lập trong tỉnh, tổ chức lấy máu gót chân cho 9.545/10.547 trẻ sinh, chiếm 90,50%/tổng số trẻ sinh (chỉ tiêu 95%); siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi cho 12.007 lượt thai phụ, đạt 75,04% kế hoạch./.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương