Huy động mọi nguồn lực
Về Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh hôm nay, đi trên những con đường nhựa, bêtông với hai bên đường là những hàng hoa trải dài, dễ dàng cảm nhận được cuộc sống của người dân vùng kháng chiến năm nào đang dần được nâng cao.
Sau khi "về đích" xã NTM năm 2021, địa phương xác định cần duy trì và nâng cao chất lượng các TC, phấn đấu xây dựng thành công xã NTM nâng cao trong năm 2024. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các TC khác, TC giao thông được xã đặc biệt chú trọng và xem đây là "đòn bẩy" để phát triển KT-XH của địa phương.
Tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh
Tuy nhiên, để thực hiện TC này là vấn đề không hề đơn giản bởi phải huy động nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi ngân sách địa phương và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, xã tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM; đồng thời, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tham gia đóng góp, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn.
Từ năm 2023 đến nay, xã xây dựng được 10 cây cầu giao thông, 2 cống với tổng kinh phí xã hội hóa và ngân sách gần 4 tỉ đồng; đồng thời, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường trục ấp. Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa trên 80%.
Ngoài ra, trên tuyến đường liên xã và đường trục chính của một số ấp đã được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời và trồng hoa dọc hai bên đường.
Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Bảo - Trần Văn Hoài khẳng định: “Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao giúp diện mạo nông thôn của xã Nhơn Hòa Lập chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật là hệ thống giao thông, những con đường nhỏ, hẹp trước đây được thay thế bằng những con đường nhựa, bêtông khang trang, sạch, đẹp. Gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của quê hương, không chỉ tôi mà người dân nơi đây đều cảm thấy vô cùng phấn khởi”.
Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập - Đinh Văn Định cho biết: Không chỉ đạt chuẩn TC giao thông, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến nay, Nhơn Hòa Lập đạt 19/19 TC xã NTM nâng cao. Xã đang hoàn tất hồ sơ để trình UBND huyện và đề nghị UBND tỉnh thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.
“Thời gian tới, để duy trì và nâng chất các TC giao thông theo Quyết định số 32/2024/QĐ-UBND, ngày 05/8/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ TC xã NTM và Bộ TC xã NTM nâng cao tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình đầu tư, mở rộng các tuyến đường từ 2,5-3m lên trên 3,5m. Theo đó, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng và huy động mọi nguồn lực, trong đó, chú trọng nguồn lực từ xã hội hóa để triển khai, thực hiện” - ông Đinh Văn Định cho biết thêm.
Vượt khó thực hiện
Bình Hòa Hưng là xã biên giới của huyện Đức Huệ, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống chưa cao nên việc huy động sức dân để xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, xã chỉ đạt 13/19 TC xã NTM.
Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Tấn Đạt thông tin: “Khi phát động thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã gặp nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng. Trong đó, giao thông nông thôn là TC khó nhất vì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Do vậy, ngay từ đầu, xã chủ động xây dựng lộ trình cụ thể, xác định phải tập trung thực hiện tốt TC này. Tuy nhiên, đời sống của người dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn nên việc huy động sức dân để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn không phải là điều dễ dàng”.
Việc xây mới và đưa vào sử dụng các cầu giao thông nông thôn giúp người dân xã Bình Hòa Hưng (huyện Đức Huệ) đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa dễ dàng hơn
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của chương trình xây dựng xã NTM nên rất đồng lòng, chung sức cùng địa phương thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, địa phương vận động người dân đóng góp tiền mặt, đất và tài sản gắn liền với đất hơn 6,34 tỉ đồng; đồng thời, vận động xã hội hóa được hơn 3 tỉ đồng để xây dựng NTM.
Theo đó, xã sửa chữa và xây dựng mới 4 cầu giao thông trên địa bàn ấp 3 và ấp 4. Các cầu này được hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tạo nên diện mạo khang trang hơn cho địa phương mà còn tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp của người dân.
Trưởng ấp 3, xã Bình Hòa Hưng - Lữ Việt Trí cho biết: “Người dân rất ủng hộ chủ trương xây dựng NTM. Vì vậy, khi địa phương phát động thực hiện thì mọi người đồng tình hưởng ứng ngay. Cũng nhờ có chương trình này mà rất nhiều công trình được đầu tư xây dựng phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân”.
Đến nay, toàn xã Bình Hòa Hưng có 7 tuyến đường trục ấp với chiều dài hơn 22,8km, được cứng hóa 100%; đường trục chính nội đồng có 8 tuyến, chiều dài hơn 14,6km, được cứng hóa 100%.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết còn khoảng 8km đường trục chính nội đồng được rải đá xanh từ lâu, hiện xuống cấp, cần nguồn vốn đầu tư bêtông hóa và 1 tuyến đường dài 5,5km chưa được đầu tư xây dựng cầu, cống.
“Đường cặp kênh 61 (bờ Bắc) thuộc khu vực ấp 3, ấp 4 hiện có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Hầu hết các hộ này là người từ tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đến địa phương sinh sống từ năm 1991. Trước đây, những hộ này chủ yếu di chuyển bằng xuồng, ghe. Đến năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nạo vét kênh 61 rồi đắp thành đê, người dân tự rải đá xanh và bắc cầu tạm để di chuyển. Hiện đoạn đường này cần nguồn vốn để đầu tư xây mới 3 cầu và 4 cống, với tổng số vốn dự kiến hơn 7,6 tỉ đồng. Địa phương đã đưa các công trình này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và trình UBND huyện xem xét, kiến nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng” - ông Nguyễn Tấn Đạt thông tin thêm.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, tạo nên diện mạo mới ở các vùng nông thôn. Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, tu sửa, làm mới cầu, đường giao thông nông thôn, phấn đấu đạt chuẩn và không ngừng nâng cao chất lượng TC giao thông trong xây dựng NTM, NTM nâng cao./.
Bùi Tùng