Giáo viên lồng ghép tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong các tiết học
Thực hiện nhiều giải pháp
Những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và PLHS luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, quản lý giáo dục. Nhờ vậy, công tác PLHS được thực hiện nhịp nhàng hơn, có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho HS. Từ đó, HS, phụ huynh (PH) và xã hội dần có sự chuyển biến trong nhận thức về việc chọn nghề, chọn ngành phù hợp sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội.
Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) bắt đầu triển khai công tác PLHS khi các em học lớp 8 và đẩy mạnh khi các em học lớp 9 thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhất là đổi mới trong tiết dạy hướng nghiệp.
Hiệu trưởng Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng - Đinh Thị Thúy Lan cho biết: “Trường thực hiện đúng, đủ chương trình, thời lượng, chủ đề hướng nghiệp cho HS lớp 9 trong năm học. Trong các tiết giáo dục hướng nghiệp, giáo viên cập nhật nội dung giảng dạy, liên hệ thực tế và giúp các em từng bước hình thành sự nhận thức đối với việc định hướng nghề nghiệp sau này. Đặc biệt, giáo viên (GV) chú trọng phân tích đặc điểm, yêu cầu một số ngành, nghề đang là nhu cầu xã hội hiện nay”.
Ngoài ra, Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng phối hợp Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp cho HS cũng như tạo điều kiện cho các em tham quan thực tế các ngành đào tạo tại trường. Nhờ vậy, HS hiểu hơn về các ngành, nghề mình quan tâm cũng như biết được môi trường, điều kiện học tập khi lựa chọn học nghề,...
Trường THCS Thị Trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ) triển khai đầy đủ các nội dung về phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đến toàn đội ngũ GV, nhân viên, PH và HS, đặc biệt là PH, HS lớp 9, giúp mọi người hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PLHS.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thị Trấn Đông Thành - Nguyễn Thị Sương chia sẻ: “PH, HS vẫn còn nặng tâm lý “trọng thầy hơn thợ”. PH nào cũng mong muốn con em mình học tiếp lên THPT sau tốt nghiệp THCS, không muốn cho các em đi học nghề. Do vậy, trường nỗ lực tuyên truyền, giải thích để PH, HS hiểu tầm quan trọng của PLHS. Bởi, nếu lựa chọn hướng đi không phù hợp, các em sẽ dễ chán nản, dẫn đến lãng phí thời gian,... Với những trường hợp cần thiết, GV chủ nhiệm gặp riêng PH, HS để chia sẻ, trò chuyện, giúp PH, HS có cái nhìn đúng hơn về học nghề để có lựa chọn phù hợp”.
Bên cạnh đó, GV chủ nhiệm lớp 9 của Trường THCS Thị Trấn Đông Thành còn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, nguyện vọng của HS để kịp thời định hướng cho các em chọn đúng trường, đúng ngành nghề và phù hợp nhất với khả năng, điểm mạnh của các em.
Trường THCS Nhựt Tảo (TP. Tân An) tổ chức cho HS lớp 8 và lớp 9 cài app Hướng nghiệp-LWL, giúp các em có thêm kênh thông tin về tư vấn, hướng nghiệp để có sự lựa chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS. Ngoài ra, trường cho HS tham gia hoạt động “1 ngày làm HS Trường THPT Chuyên Long An” để HS tiếp cận môi trường giáo dục THPT cũng như các hoạt động học, sinh hoạt câu lạc bộ của trường. Khi lựa chọn được hướng đi phù hợp, các em có thêm động lực, niềm tin, từ đó cố gắng hết sức mình bước trên con đường lựa chọn để sớm thành công.
Lựa chọn hướng đi phù hợp
Được tư vấn, hướng nghiệp, nhiều HS lớp 9 mạnh dạn lựa chọn hướng đi tương lai sau tốt nghiệp THCS. Có em chọn học nghề, có em chọn học tiếp lên THPT với những trường phù hợp năng lực,... và tất cả đều mang theo quyết tâm chinh phục ước mơ, dự định của mình.
Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thành Trí - HS lớp 9/1, Trường THCS Nhựt Tảo, quyết định học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Trí chia sẻ: “Chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS, em được miễn học phí, giảm gánh nặng cho gia đình. Đặc biệt, lựa chọn học nghề, em có thể đi làm sớm để phụ giúp gia đình”.
Học sinh chia sẻ về ước mơ tương lai và con đường lựa chọn sau tốt nghiệp THCS
Cùng suy nghĩ với Trí, Nguyễn Tuấn Khải - HS lớp 9/1, Trường THCS Nhựt Tảo, cũng lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Khải tâm sự: “Học nghề là lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích của em. Em đang tìm hiểu thêm về các ngành, nghề đang là nhu cầu xã hội hiện nay để theo học. Em tin rằng, nếu cố gắng hết sức mình thì học nghề cũng sẽ thành công”.
Riêng với Phan Ngọc Mai Phương - HS lớp 9/12, Trường THCS Nhựt Tảo, lựa chọn học tiếp THPT với ước mơ vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Long An. Phương tâm sự: “Em thích học Toán và mong muốn được tìm hiểu, nâng cao sự hiểu biết của mình về môn học này. Do vậy, Trường THPT Chuyên Long An là lựa chọn đầu tiên của em. Em đã và đang nỗ lực từng ngày trong học tập, nhất là phát huy tinh thần tự học để có đủ hành trang bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Chuyên Long An sắp tới”.
Nhờ những giải pháp trên, công tác PLHS ngày càng chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Do vậy, công tác PLHS cần có thêm những giải pháp căn cơ, toàn diện hơn, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh./.
Năm 2023, tỉnh thực hiện đạt 4/6 mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 134/KH-UBND và Công văn số 7560/UBND-VHXH của UBND tỉnh về việc điều chỉnh chỉ tiêu hướng nghiệp và định hướng PLHS giai đoạn 2022-2025.
Hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 cơ sở hoạt động (3 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 đơn vị tham gia giáo dục nghề nghiệp). Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh 23.554/23.005 người, đạt 102,38% kế hoạch.
|
An Nhiên