Chất lượng cán bộ hội được nâng lên
Qua thực hiện chương trình, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ cán bộ có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn tăng từ 10-20% so với trước. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Dạ Thảo cho rằng, đây là vấn đề trọng tâm nhằm thúc đẩy phong trào Hội phát triển. Do đó, Huyện hội tham mưu, phối hợp giới thiệu, đề cử nhiều cán bộ Hội tham gia các lớp đào tạo về chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. Không những vậy, các chị còn tham gia các lớp học chuyên môn để phục vụ công tác; công nghệ thông tin nhằm ứng dụng vào công việc được nhanh, gọn.
Nhiều mô hình giải quyết việc làm cho phụ nữ
Hàng năm, các cấp Hội rà soát về phẩm chất, trình độ, năng lực,... đánh giá mặt mạnh, mặt hạn chế để làm công tác quy hoạch, trong đó, luôn chú ý đến cán bộ trẻ, tâm huyết và có triển vọng phát triển.
Tương tự Thủ Thừa, Huyện hội Cần Giuộc có những đột phá trong công tác cán bộ, nhờ đó, phong trào Hội phát triển hơn trước. Chủ tịch Hội LHPNVN huyện - Huỳnh Thị Tuyết Hồng thông tin, với đội ngũ cán bộ chủ chốt, đến nay, tất cả cán bộ cấp huyện đạt chuẩn chức danh. Các cấp cơ sở, trình độ học vấn tăng hơn so với trước đây. Đặc biệt, có 40% cán bộ Hội cơ sở dưới 30 tuổi. Đây là một lợi thế cho huyện.
Hiệu quả từ các nguồn vốn vay
Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của địa phương cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan, từng là hộ nghèo ở ấp Xóm Than, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh đỡ vất vả hơn trước. Không mảnh đất sản xuất, chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi 3 người con ăn học. Ban đầu, chị đi làm mướn, sau đó được xét vay 30 triệu đồng với lãi suất thấp đầu tư nuôi heo, dần dần, gia đình chị vươn lên thoát nghèo.
Hay như chị Phan Thị Nâu, ngụ ấp 5, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, trước đây, cuộc sống 5 thành viên gia đình chỉ dựa vào số tiền buôn bán nhỏ và đi làm mướn của chồng chị. Công việc thất bại, vợ chồng chị phải đến TP.HCM tìm việc làm. Chị Nâu cho biết: Khi 2 con gái lớn vào đại học, cuộc sống gia đình lại càng khó khăn. Vợ chồng tôi trở về quê lập nghiệp. Được xét vay vốn, tôi thuê mặt bằng bán nước giải khát, đổi gas. Dù cơ sở nhỏ nhưng công việc hiện tại rất thuận lợi”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Hồng Mai tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích trong công tác Hội, giảm nghèo
Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Hồng Mai cho biết, qua 5 năm triển khai Chương trình đột phá “Giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo” giai đoạn 2012-2016 tác động đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ VIII và các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Hàng năm, thông qua các tổ liên kết sản xuất, tiết kiệm tín dụng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhất là hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tập trung vào khai thác nguồn lực “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 do Trung ương Hội LHPNVN hỗ trợ kinh phí,... góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo./.
Năm 2012, Long An có trên 11.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, đến đầu năm 2016 giảm còn hơn 6.000 hộ (theo tiêu chí mới). Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ các nguồn vốn trên 1.022 tỉ đồng, xét cho hơn 58.000 hộ nghèo và các đối tượng khác vay. Toàn tỉnh hiện có hơn 225.000 hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm tín dụng với số tiền trên 128 tỉ đồng; tham gia tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 37 tỉ đồng. |
Nguyệt Nhi