Tiếng Việt | English

20/01/2023 - 06:20

Hạ tầng giao thông đi trước, dẫn đường phát triển

Những năm gần đây, tỉnh Long An quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng. Qua đó, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Động lực cho phát triển

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Tỉnh tập trung nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giao thông liên kết vùng”. Nổi bật, giai đoạn 2015-2020, tỉnh thực hiện 3 công trình trọng điểm về giao thông và Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với danh mục dự án gồm 14 công trình.

Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng kết nối đồng bộ

Nhiều công trình giao thông lớn, kết nối các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đã đưa vào sử dụng. Có thể kể đến các tuyến: Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT823, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT826B,... Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng nhanh thu hút đầu tư. Ngoài ra, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông còn kéo theo sự phát triển đô thị, hình thành các khu dân cư tập trung, làm tiền đề phát triển đô thị trong tương lai. “Với nhiều tiềm năng, lợi thế, cộng với hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, Long An đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư” - ông Nguyễn An Vững - đại diện một doanh nghiệp, đánh giá.

Mặc dù đạt những kết quả quan trọng nhưng để hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh thực sự đồng bộ, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu phát triển thì cần phải tiếp tục đầu tư. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai một số dự án giao thông kết nối với TP.HCM. Đây đều là những công trình quan trọng, mang tầm chiến lược, vốn đầu tư lớn như dự án đường Vành đai 3 đi qua các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM. Hiện tại, đoạn đi qua địa bàn huyện Bến Lức (tỉnh Long An) có chiều dài trên 6,8km, đang được trình thẩm duyệt dự án. Vì vậy, huyện Bến Lức tích cực phối hợp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về dự án, nỗ lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, mở rộng, cải tạo một số công trình đường giao thông kết nối với tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ (QL) 62 và N2 qua địa bàn tỉnh, bởi 2 tuyến đường này hẹp, xuống cấp trầm trọng, không còn đáp ứng nhu cầu phát triển, đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đề ra nhiều chỉ tiêu, giải pháp để thực hiện đồng bộ. Trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh xác định đó là động lực cho sự phát triển KT-XH. 

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với 8 công trình giao thông

Nhằm phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm để thực hiện gồm: Đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; ĐT830E; QL50B. Ngoài ra, tỉnh còn có Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. 8 công trình giao thông được xác định thực hiện chương trình đột phá: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; ĐT826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu kênh Ranh); đường Tân Tập - Long Hậu; nút giao đường Hùng Vương - QL62.

Tất cả công trình này nằm trên địa bàn TP.Tân An và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, được quy hoạch kết nối đồng bộ đến Cảng Quốc tế Long An, các khu, cụm công nghiệp và TP.HCM. Các công trình giao thông trọng điểm, đột phá được đánh giá có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tỉnh ở nhiều phương diện công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị,... Khi những công trình này được đưa vào sử dụng sẽ giúp tỉnh có những bước phát triển KT-XH vững chắc, tạo liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong khu vực.

Trong 3 dự án trọng điểm thì đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đã triển khai thi công, hiện đạt một khối lượng lớn. Công trình vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, một số công trình, dự án giao thông trong chương trình đột phá được khởi công là ĐT823D (trục kết nối TP.HCM - Long An và các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ); nâng cấp, mở rộng ĐT824 (huyện Đức Hòa) đoạn từ Tua Một đến cầu kênh Ranh; dự án nút giao đường Hùng Vương - QL62 (TP.Tân An); đường Tân Tập - Long Hậu (huyện Cần Giuộc).

Dự án ĐT823D (trục kết nối TP.HCM - Long An và các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ) khởi công tháng 12/2021. Tuyến đường có tổng chiều dài 14,2km, được thiết kế với 6 làn xe rộng 25m, nền đường rộng từ 32 đến 40m, tổng mức đầu tư trên 1.105 tỉ đồng (trong đó, chi phí xây dựng trên 1.000 tỉ đồng). Dự án ĐT826E qua xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, với tổng mức đầu tư trên 529 tỉ đồng đang được triển khai thi công. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối với QL50, trục động lực Tây Nam đến Khu công nghiệp Long Hậu, đường Nguyễn Văn Tạo (TP.HCM), Cảng Quốc tế Long An, Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM),... Với các dự án chưa khởi công, các cấp, các ngành liên quan đang khẩn trương thực hiện các bước để triển khai trong thời gian tới.

“Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Xác định giao thông phải đi trước một bước, tỉnh chú trọng huy động nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên thông sẽ mở ra nhiều động lực phát triển cho tỉnh. Trong quá trình triển khai các dự án công trình giao thông, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư” - Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh./.

8 công trình giao thông được xác định thực hiện chương trình đột phá: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; ĐT826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu kênh Ranh); đường Tân Tập - Long Hậu; nút giao đường Hùng Vương - QL62.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết