Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba năm 2016 tăng 0,57% so với tháng Hai đồng thời tăng 1,69% cùng kỳ và tăng 0,99% so với tháng 12 năm 2015.
Như vậy, CPI bình quân quý I năm 2016 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 1,25%.
Song, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng này vẫn giảm 0,09% so với tháng trước, nhưng tăng 1,64% so với cùng kỳ.
Y tế, Giáo dục “đẩy” CPI tăng
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá cho biết, theo quy luật CPI tháng Ba hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên CPI tháng Ba năm nay tăng xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu là việc tăng giá về dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.
Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 1,27%.
Bên cạnh đó, do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ một số tỉnh đã tăng học phí các cấp đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.
Chín nhóm hàng hoá giảm
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, duy chỉ có 2 nhóm tăng là thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34% và giáo dục tăng 0,66%.
Còn lại 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ bắt đầu giảm, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm giao thông giảm 3,64% , tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,54% và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%...
“Nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên Đán đã giảm, giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết Nguyên Đán, chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48% góp phần giảm CPI chung khoảng 0,16%,” bà Ngọc cho biết.
Ngoài ra, bà Ngọc cũng nhấn mạnh, việc giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 18/2 (giá xăng giảm 960đ/lít) cũng tác động khiến nhóm giao thông giảm 3,64% và góp phần giảm CPI chung của tháng xuống khoảng 0,34%.
Vàng biến động mạnh
Trong tháng này, chỉ số giá vàng đã tăng đến 4,87%. Nguyên nhân được bà Ngọc chỉ ra là, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới đã tăng khoảng 19%, chủ yếu do mối quan ngại của giới đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu, sự bất ổn của thị trường chứng khoán và giá dầu giảm, cùng với với Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) trì hoãn việc tăng lãi xuất vào 6 tháng cuối năm nay làm gia tăng nhu cầu đối với kênh đầu tư an toàn này.
Trên thị trường, bình quân giá vàng tháng 3 tăng 4,87%, giá vàng trong nước (ngày 15/3) dao động quanh mức 3.365.000 đồng - 3.890.000 đồng/chỉ vàng SJC.
“Tuy nhiên, chỉ số giá USD lại giảm 0,38% là bởi dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước dồi dào, thêm vào đó các doanh nghiệp chưa có nhu cầu nhiều về USD sau Tết Nguyên Đán,” bà Ngọc nói.
Giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở mức 22.240 đồng - 22.320 đồng/USD./.
Hạnh Nguyễn/Vietnam+