Tiếng Việt | English

10/04/2016 - 19:49

Hạn, mặn xâm nhập giá thực phẩm “nhảy múa”

Tình trạng hạn, mặn xâm nhập gay gắt, kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông dân. Theo số liệu thống kê, tổng diện tính lúa trên địa bàn tỉnh Long An bị thiệt hại do hạn, mặn là 6.587ha; tình trạng trên còn góp phần làm cho giá lương thực, thực phẩm, nông, lâm sản và thủy sản, rau, củ, quả… “nhảy múa”, bất lợi cho người tiêu dùng.


Do ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập, giá cả các mặt hàng thực phẩm cũng tăng theo

Thiệt hại lớn cho nông dân

Anh Nguyễn Văn An, nông dân ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1ha đất trồng lúa, mùa này nước mặn về sớm quá, hơn phân nửa diện tích lúa của gia đình không có nước bơm, chắc chắn vụ này nông dân chúng tôi bị thiệt hại không nhỏ”. Còn ông Trần Văn Dân, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh cho biết: “Tôi gieo sạ được 0,5ha, hiện nay, lúa hơn 1 tháng tuổi, những ngày qua, mực nước kênh ngày càng giảm, mặn có dấu hiệu tăng cao, càng về cuối nguồn, chất lượng nước kênh càng xấu, mực nước rất thấp, mặn, nhiễm phèn,... nông dân chúng tôi đang rất lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài, mùa màng sẽ mất trắng!”.

Cùng nỗi lo lắng như trên, ông Nguyễn Văn Lâm, nông dân xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa cho biết: “Gần 1ha ruộng lúa của gia đình tôi gieo sạ giống OM 4900. Lúc đầu, lúa phát triển rất tốt, nhưng khoảng hơn 1 tháng nay, ruộng lúa khô héo do thiếu nước tưới. Độ mặn quá cao nếu tiếp tục bơm nước vào ruộng, tôi sợ sẽ làm hư đất, nên quyết định phó mặc cho trời, những khoảng chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu,… lên đến khoảng gần 20 triệu đồng vẫn còn nợ ở đại lý. Đã khổ vì điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, nay lại thêm khổ vì hạn, mặn xâm nhập,…”.

Trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết: “Xâm nhập mặn ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống của nông dân. Chính vì vậy trong thời gian qua, lãnh đạo huyện luôn tập trung lãnh đạo công tác chống hạn, mặn, góp phần giúp nông dân sản xuất. Huyện chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn tăng cường công tác tổ chức chống hạn, cứu lúa và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, huyện chủ trương nạo vét 13 công trình kênh với tổng chiều dài 13.550m, trong đó thi công xong 8 công trình, dài 6.950m, đang thi công 5 công trình dài 6.600m để trữ nước và vận động người dân bơm nước nhiều cấp vào đồng ruộng, giải quyết được nước tưới trên 4.550ha lúa”.


Thịt, cá tại các chợ tăng hơn trước đây, bình quân khoảng 10-15%

Giá cả thực phẩm cũng "nhảy múa"

Do ảnh hưởng hạn, mặn; thời gian qua, hàng ngàn hécta lúa không có nước tưới, nhiều vườn rau, cải khô cằn, những ao cá gần cạn đáy,... năng suất thu hoạch giảm. Tình trạng đó làm cho giá thực phẩm rục rịch tăng cao. Theo ghi nhận tại các chợ ở một số địa phương, ảnh hưởng từ hạn, mặn bắt đầu lan tỏa.

Bà Nguyễn Thị Một, buôn bán các mặt hàng thủy, hải sản tại chợ Đức Hòa, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa tâm sự: “Chúng tôi có nghe thông tin từ báo, đài về tình hình xâm nhập mặn, không đủ nguồn nước ngọt để sản xuất nên kéo theo giá cả lương thực thực phẩm,… tăng cao. Hiện tại, giá tôm đang ở mức cao kỷ lục so với nhiều năm gần đây. Tại chợ Đức Hòa, giá tôm sú loại 1 (loại khoảng 20 con/kg) là 283.000 - 295.000 đồng/kg (tăng gần 15.000 đồng/kg), giá tôm loại 2 (loại khoảng 30 con/kg) dao động từ 205.000-215.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg) và giá tép bạc từ 175.000-180.000 đồng/kg (tăng gần 20.000 đồng/kg),...

Tại một số đại lý kinh doanh các mặt hàng gạo trên địa bàn TP.Tân An, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đang tập trung thu mua lúa, gạo để giao cho các hợp đồng được ký từ trước đó. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá gạo nội địa tăng theo.

Theo chị Nguyễn Thị Phương Thanh - tiểu thương buôn bán gạo tại chợ Mỹ Lệ, huyện Cần Đước: “Thời gian qua, tình trạng nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngọt thiếu một cách trầm trọng, dẫn đến việc diện tích sản xuất của nông dân bị thu hẹp. Do đó, lượng lúa sau thu hoạch, nông dân không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, vì vậy, từ đầu tháng đến nay, giá cả các mặt hàng gạo bắt đầu tăng, bình quân khoảng từ 15-20%. Hiện tại, giá gạo tẻ thông dụng tại chợ dao động từ 11.500 - 13.000 đồng/kg. Những loại có chất lượng tốt hơn như: Nàng Thơm chợ Đào, thơm Thái, Nàng Hương, Nàng Hoa,… lên mức 20.000 - 21.500 đồng/kg”. Ngoài mặt hàng gạo, các loại thực phẩm khác như thịt, thủy sản,… cũng tăng giá hơn so với trước đây, thậm chí ở một số chợ, giá cả đôi khi còn “nhích hơn” so với dịp tết.

Dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn TP.Tân An, tại chợ phường 2, chị Nguyễn Thị Bé, buôn bán thịt heo cho biết: “Hiện nay, giá thịt ba rọi ở các chợ có giá từ khoảng 85.000 - 92.000 đồng/kg (tăng gần 10.000 đồng/kg), giá thịt heo nạc 90.000 - 95.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg). Ngoài ra, những mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như: Cá diêu hồng, cá phi, cá chép, cá lóc đồng cũng tăng từ 10-15%”. Theo bà Bùi Thị Mai, một người nội trợ ở phường 4: “Tôi rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn cho gia đình nên thường chọn mua những thực phẩm tươi sống ở những “mối” quen trong chợ để bảo đảm chất lượng. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng mặn, lượng tôm, cá nước ngọt đánh bắt tự nhiên rất khan hiếm, khiến giá bán có loại tăng tới hơn 20.000 đồng/kg”.

Tuy giá cả các loại lương thực, thực phẩm tại các chợ đều tăng giá, nhưng để bảo đảm cho người tiêu dùng yên tâm về giá cả, Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Tân An - Nguyễn Thị Hoa Tiên cho biết: “Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm như: Gạo, rau, cải và thịt, cá tại siêu thị, chúng tôi vẫn giữ nguyên ở mức giá trước đây, chúng tôi muốn góp phần hỗ trợ người tiêu dùng qua việc bán hàng không tăng giá. Hơn nữa, siêu thị chúng tôi có nguồn hàng tập trung, những nhà cung cấp ổn định cho siêu thị, chúng tôi cũng có hệ thống phân phối riêng với những hợp đồng ký với nông dân từ trước nên giá cả không biến động nhiều”.

Trước thực trạng trên, mong rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, tăng cường kiểm soát thị trường, nhất là về giá cả để tránh tình trạng tăng giá “không kiểm soát” làm ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết