Những khoảnh khắc này chính là thời gian đẹp và hạnh phúc nhất của mỗi gia đình
Không lãng mạn, ngọt ngào như những người đàn ông khác nhưng từng hành động đều chứa đựng tình yêu thương, sự quan tâm, thấu hiểu dành cho vợ” là lời chia sẻ của chị Lý Thanh Tâm (SN 1985, ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) khi nhắc về anh Võ Minh Sơn (SN 1984), chồng của chị.
Qua mai mối, anh Sơn và chị Tâm có duyên gặp và quen biết nhau. Sau 3 năm tìm hiểu và được sự chấp thuận của hai bên gia đình, anh chị quyết định cùng nhau đi đến hôn nhân vào năm 2008. Hiện vợ chồng chị Tâm có với nhau một cô công chúa, đây cũng chính là sợi dây gắn kết tình nghĩa vợ chồng ngày càng bền chặt.
Thời gian rảnh, vợ chồng anh Võ Minh Sơn và chị Lý Thanh Tâm (phường 3, TP.Tân An) cùng nhau dạy con học bài
Chị Tâm là giáo viên mầm non, còn anh Sơn là giáo viên THCS nên vợ chồng hầu như bận rộn. “Hiểu được công việc của tôi nên những hôm không có tiết dạy trên lớp, hầu như mọi việc nhà đều do chồng tôi lo chu toàn. Vậy mà chưa một lần anh than thở hay càm ràm tôi, ngược lại, anh còn chăm sóc và yêu thương tôi nhiều hơn nữa. Trong lúc cha tôi nằm viện, cứ mỗi lần tan trường, anh lại tranh thủ chạy vào viện chăm sóc cho cha. Thời điểm cha tôi không qua khỏi, tôi suy sụp, anh bên cạnh động viên, an ủi giúp tôi vượt qua giai đoạn đó. Tôi cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi gặp được anh” - chị Tâm chia sẻ.
Cùng nhau “xây tổ ấm” đã 16 năm nhưng vợ chồng chị Tâm vẫn dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ ấm áp, giản dị mà hạnh phúc. Những lúc rảnh, vợ chồng sẻ chia công việc nhà, cùng trò chuyện, tâm sự với nhau về những chuyện buồn, vui từ công việc đến cuộc sống, hâm nóng tình cảm gia đình, cùng nhau chăm sóc, giáo dục con.
Với chị, điều quan trọng trong cuộc sống vợ chồng là sự tôn trọng lẫn nhau. Việc lớn, việc nhỏ trong nhà đều được anh chị bàn bạc, thống nhất với nhau. Những lúc vợ chồng bất đồng ý kiến, chị giữ bình tĩnh, nhường nhịn chồng, sau đó cả 2 cùng nhau ngồi lại giải quyết vấn đề. Cuối tuần, anh Sơn thường đưa vợ con đi chơi, đi ăn hoặc về thăm ông bà, giúp tạo sự gắn kết, hiểu nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Bé Võ Lý Sơn Quỳnh (SN 2011) - con gái của vợ chồng chị Tâm, bộc bạch: “Gia đình em lúc nào cũng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Thấy gia đình hạnh phúc như vậy, em vui lắm! Em thương cha mẹ rất nhiều”.
Chia sẻ về cách dạy con, chị Tâm nói: “Đối với 2 bên gia đình, vợ chồng tôi luôn lấy chữ “hiếu” làm đầu và giáo dục con phải biết kính trên nhường dưới, lễ phép và hiếu thuận với ông bà, cha mẹ và vợ chồng tôi làm gương để con noi theo”.
Đối với bà Trần Thúy Hằng (SN 1964, ngụ ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức), hạnh phúc gia đình là trọn vẹn nghĩa tình trước sau như một. 12 năm nay, chồng bà bị bệnh tai biến, mọi việc trong nhà đều do một mình bà quán xuyến. Tuy cũng có lúc buồn tủi nhưng với tình thương yêu gia đình, vì chồng, vì con mà bà cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy các con trưởng thành. Hiện 3 người con của bà đã có gia đình riêng, có việc làm ổn định. Ngoài thời gian chăm sóc chồng, giữ cháu cho các con yên tâm đi làm, bà còn tham gia làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Voi Lá, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Bà thường xuyên vận động phụ nữ và người dân trong ấp tham gia nhặt rác, vệ sinh đường giao thông, trồng cây xanh tạo cảnh quan nông thôn. Bà Hằng chia sẻ: “Vợ chồng tôi duy trì nề nếp gia phong, làm gương cho con noi theo. Các con của tôi vì thế biết kính trên nhường dưới, yêu thương, sống chan hòa cùng nhau. Hạnh phúc gia đình phải xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh để vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời”.
Tình yêu thương, chăm sóc của bà Trần Thúy Hằng (ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) đã giúp bệnh tình của chồng thuyên giảm
Cuộc sống hôn nhân đôi lúc không tránh khỏi những mâu thuẫn. Khi đó, mỗi người cần giảm bớt cái tôi, đặt mình vào vị trí của người còn lại để thấu hiểu và chia sẻ. Đó là tiêu chí mà gia đình anh Phạm Văn Vĩnh (SN 1977) và chị Nguyễn Thị Chính (SN 1984, ngụ ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) thực hiện và nêu gương cho con. Anh Vĩnh thu mua chanh của người dân trong ấp, còn vợ lo chuyện nội trợ và trồng 1ha chanh không hạt. Vợ chồng anh chị duy trì bữa cơm gia đình, chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống để thêm hiểu nhau. Anh Vĩnh cho biết: “Cuộc sống vợ chồng cần lắm sự thấu hiểu và sẻ chia. Những lúc xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng tôi dung hòa để làm gương cho con. Tôi chỉ mong sau này các con được thành đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc và sống có ích cho xã hội”.
Ngoài thời gian đi làm, anh Phạm Văn Vĩnh (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) còn dành thời gian phụ vợ việc nhà
Em Phạm Quyền Trân - con gái của anh Vĩnh, nói: “Những ngày trọ học ở TP.HCM, mỗi lần cảm thấy áp lực hay mệt mỏi, em đều nghĩ tới gia đình đầu tiên. Mỗi lần như vậy, em đều chia sẻ với ba mẹ và anh hai. Gia đình chính là chỗ dựa, động lực để em nỗ lực học tập”.
Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc. Gia đình không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho các thành viên mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội./.
Tuệ An - Lê Hạnh