Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay có chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”.
Ảnh minh họa - Nguồn: Chungta.
Nói về hạnh phúc, mỗi người có một quan niệm khác nhau nhưng tựu chung là sự yêu thương, chia sẻ.
Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng - Giám đốc Bảo tàng Áo dài thì hạnh phúc gia đình rất bình dị, quan trọng nhất là sống có trách nhiệm với bản thân thì mới hạnh phúc:
“Sống trách nhiệm, yêu thương bản thân đủ và thừa thì mới có thể san sẻ người khác. Hãy yêu thương chính bản thân. Điều này không có nghĩa là ích kỷ mà là có trách nhiệm với bản thân để từ đó có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội”.
Với không ít người, hạnh phúc không cần cuộc sống đủ đầy, giàu sang mà chỉ cần hài lòng với những gì mình đang có. Nguyễn Thị Trúc Pha– doanh nhân ngành dệt may chia sẻ, dù bận rộn kinh doanh nhưng vợ chồng chị luôn ở bên các con, tạo niềm vui cho các cháu. Khi thấy con mình khỏe mạnh, chăm ngoan, đó là hạnh phúc:
“Hạnh phúc phải thỏa mãn hai nhu cầu là đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Ít nhất mình cũng phải đủ ăn, đủ mặc, đủ xài và có một sức khỏe tốt, một công việc để làm, có một gia đình hạnh phúc và đặc biệt phải biết tự hài lòng với cuộc sống của mình”.
Bà Hoàng Thục Trinh – nguyên nghệ sĩ đoàn ca múa kịch Thái Bình xúc động kể, niềm hạnh phúc của bà là nhìn thấy ánh mắt vui tươi của con cháu mỗi ngày. Từ một gia đình nghèo khó, cơ cực, cha mất sớm một mình bà phải vất vả nuôi cả gia đình. Đến khi lấy chồng, mọi gánh vác về kinh tế lại đổ lên vai, nhưng bây giờ con cái lớn khôn, hiểu biết lễ, nghĩa – đó là hạnh phúc của một người mẹ:
“Hạnh phúc với tôi rất đơn giản, hàng ngày cơm nước cho con rồi đón thằng cháu ngoại đi học về, vừa tất tả, vừa cực. Ở chỗ mình ở ai cũng bảo sao bà này giỏi thế, khỏe thế. Thế nhưng lúc nào tôi cũng thấy vui”.
Còn với người đi qua chiến tranh khốc liệt, chứng kiến bao nhiêu đồng đội ngã xuống trên chiến trường thì hạnh phúc chính là được sống trong thời bình cùng đồng bào mình. Đó là quan niệm của bà Cao Thị Hương, một nữ anh hùng Củ Chi đất thép, là người từng bắn rơi máy bay trực thăng của Mỹ.
Chính vì không còn muốn gì hơn thế mà trong suốt nhiều năm bà luôn dành dụm số tiền ít ỏi của mình để giúp đỡ đồng đội, đồng chí khó khăn hơn: “Khi mình giúp được việc gì đó, dù nhỏ hay lớn thì cảm thấy trong người rất cởi mở, rất phấn khởi vì mình đã làm việc tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau".
Mỗi người có quan niệm riêng về hạnh phúc cho bản thân. Lý giải về điều này, chuyên gia tư vấn tâm lý Huỳnh Anh Bình nhìn nhận, hạnh phúc là những gì ta có được trong hành trình đi tìm nó, chứ không xem nó như một đích đến. Vì vậy mỗi người có một tiêu chí đánh giá khác nhau về hạnh phúc cũng là điều dễ hiểu:
“Để có được hạnh phúc, chúng ta nên dựa trên cơ sở chấp nhận những gì chúng ta đang có, có thể ở những mối quan hệ xã hội khác thí dụ như trong công việc nếu biết cố gắng, nhường nhịn thì sẽ hạnh phúc.
Trong mối quan hệ vợ chồng thì chúng ta cũng chấp nhận lẫn nhau. Có thể chồng mình còn nhiều điều mình chưa đồng ý hoặc vợ mình còn nhiều lời, hành xử mình chưa đồng ý nhưng nếu chúng ta biết chấp nhận lẫn nhau thì chúng ta đã hạnh phúc.
Hoặc trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ nếu như con cái lắng nghe cha mẹ, cha mẹ lắng nghe con cái nhiều hơn, nếu chúng ta chịu lắng nghe nhau, chấp nhận lẫn nhau và cố gắng ngồi lại với nhau nhiều hơn thì đó là một mái ấm, một gia đình hạnh phúc”.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm- Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM) cho rằng, hạnh phúc còn là những điều rất bình dị ở xung quanh ta, là mỗi lời nói, cử chỉ, việc làm của mỗi chúng ta mang hạnh phúc đến cho nhau để cuộc sống thật vui tươi.
Trong cuộc sống, hạnh phúc còn là sự sẻ chia. Sẻ chia không chỉ trong phạm trù của gia đình, tình bạn, tình anh em mà sẻ chia những khó khăn, rủi ro đối với những người có mảnh đời không may mắn, còn nghèo khó: “Hạnh phúc là tấm lòng của con người, người ta nghĩ rằng một khi làm như thế người ta cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái khi xung quanh mình vẫn còn những người nghèo khó hơn thì việc đó giúp ta cảm thấy thanh thản hơn. Khi người ta sống trong một xã hội có thể thể hiện lòng tốt của mình mà không cân nhắc đắn đo đó mới thật sự là hạnh phúc”.
Hành trình kiếm tìm hạnh phúc muôn màu muôn vẻ. Nhưng trên hành trình đó, điều căn bản là giúp mỗi cá nhân hành động và suy nghĩ theo hướng tích cực, biết yêu thương và chia sẻ./.
Nguồn: VOH