Ảnh minh họa
Theo Wikipedia: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí”. Tuy nhiên, còn có hàng trăm định nghĩa hạnh phúc khác do cách hiểu, cách cảm nhận khác nhau. Người này cho rằng hạnh phúc phải là thế này, người kia cho rằng hạnh phúc phải là thế kia...
Trên Tạp chí Hồn Việt (số tháng 8/2018) có mục trao đổi với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng. Theo đó, bà từ con nhà quyền quý, xinh đẹp, học rất giỏi ở một trường Tây trên Đà Lạt nhưng rồi, khi mới 16 tuổi, bà bỏ ngang việc học, đi cách mạng. “Tôi làm tất cả mọi việc cách mạng giao, không một chút ngại ngần (…). Đi bộ mà đói liên tục, cực kỳ gian khổ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ân hận mà còn cảm thấy như mình được lạc vào Thiên thai vì tình người quá đẹp, con người ai cũng rạng ngời hạnh phúc”. Sống ở chiến khu với rừng sâu, núi thẳm hay về cơ quan ngoại giao làm phiên dịch, về cơ sở chế tạo vũ khí trực tiếp cạo phân dơi trong hang đá để làm ra thuốc nổ theo tài liệu trong sách Pháp; dịch các tài liệu tiếng Pháp. Rồi học bác sĩ để phục vụ quân y chiến trường. Rồi học đạo diễn để vác máy quay phim lao vào lửa đạn cùng Phạm Khắc, Khương Mễ,... Giờ đây, ở tuổi 90, ngẫm lại sự đời, từ một tuổi thơ “lá ngọc cành vàng”, một tuổi thanh xuân “xông pha nơi hòn tên mũi đạn” góp sức diệt thù, bảo vệ Tổ quốc, người nữ trí thức ấy luôn cho mình là người hạnh phúc - hạnh phúc trong vinh quang!
Hạnh phúc giản đơn - Tôi có anh bạn đang nuôi mẹ già 90 tuổi. Hôm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, anh đưa mẹ từ bệnh viện về nhà để nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Sau cơn tai biến mạch máu não, mẹ anh nằm liệt giường, không nói được, bỗng hôm ấy tươi tỉnh hẳn, miệng luôn nở nụ cười rạng rỡ khi ngồi trên ghế cho đại diện Tỉnh ủy trao bằng và gắn Huy hiệu 70 tuổi Đảng, khiến con cháu cùng cảm nhận lây niềm hạnh phúc - vinh quang của mẹ. Sau đó, vợ chồng anh tổ chức lễ mừng thượng thọ 90 tuổi cho mẹ, mẹ cũng lại tươi tỉnh đón nhận lời chúc mừng của mọi người. Rồi vợ chồng anh phải đưa mẹ vào lại bệnh viện và thay phiên nhau túc trực ngày đêm bên giường bệnh để chăm sóc. Việc này đã diễn ra hơn một năm nay, hết sức vất vả nhưng gặp anh chị, hỏi thăm về cụ bà, bao giờ anh chị cũng bày tỏ niềm hạnh phúc vì mình còn có mẹ trên đời để thể hiện đạo hiếu của người con.
Và… - Út Lê (tên nhân vật đã đổi) đang sống với người vợ mà ngay chị em trong nhà và bạn bè ai cũng cho là “đẹp người, đẹp nết”. Chị ấy tính dịu dàng, siêng năng, mua bán tảo tần, vun đắp tương lai và nuôi 2 người con đến tốt nghiệp đại học. Khi kinh tế khá lên, nhà cửa khang trang, ai cũng thấy đó là một gia đình hạnh phúc. Ở tuổi 45 đầy trái ngọt như vậy, bỗng Út Lê giở chứng trăng hoa, “bắt bóng thả mồi” nay cô này, mai cô kia, rồi quyết định ly dị vợ, theo tiếng gọi ái tình. Chẳng mấy chốc, cuộc sống Út Lê bế tắc vì tiền của có bao nhiêu, các cô vợ hờ kia đã “tuốt tay” hết. Út Lê trở thành người bơ vơ, cô độc... Nghe nói, vợ trước của Út Lê có “bắn” tiếng sẵn sàng tha thứ lỗi lầm nếu Út Lê chịu quay về.
Vậy hạnh phúc là gì? - Ai đó nói, nếu hạnh phúc là thứ dễ tìm thấy thì có lẽ con người chẳng phải nếm mùi khổ đau. Nếu hạnh phúc là thứ ẩn nấp để cùng con người tham gia trò trốn tìm thì cuộc sống này liệu có còn thời gian tìm kiếm? Cũng có người bảo, hạnh phúc là khi ta biết đủ. Cái gì cũng thế, chạm đến chữ “đủ” sẽ chạm đến hạnh phúc tròn vẹn. Bởi vì “hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn, một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người”. Hạnh phúc là “cho” chứ không phải “đòi”; là tự mình cảm nhận chớ không phải vật vã kiếm tìm. Nhà hiền triết cổ đại Aristote nói: “Hạnh phúc là mục đích tối hậu của con người” và “không ai tìm danh vọng vì danh vọng, tìm khoái lạc vì khoái lạc, mà vì người ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại hạnh phúc”. Socrate thì: “Muốn có hạnh phúc phải sống có đạo hạnh” và “Điều quan trọng không phải là sống mà là sống thiện (Vive dans le bien). Hạnh phúc là đức hạnh dưới mọi hình thức. Sống không có đức hạnh sao gọi là hạnh phúc được”. Chính vì vậy mà Karl Marx nói: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất” và “chỉ có cầm thú mới quay mặt trước nỗi đau của đồng loại mà chăm lo cho hạnh phúc của riêng mình”. Thomas Jefferson cho rằng: “Việc chăm lo đời sống và hạnh phúc.... là mục đích hợp pháp duy nhất của mọi chính quyền”.
Hạnh phúc quan trọng đối với đời sống con người đến thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” và Người rất quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân.
Chúng ta đều biết, Bhutan là một vương quốc bé nhỏ, dân số chưa tròn 700.000 người, nằm giữa 2 nước lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, lại là quốc gia đầu tiên trên thế giới lấy Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness - GNH) làm thước đo phát triển dựa trên mức độ hài lòng về y tế, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý, mức sống và chất lượng sống của người dân,... để tính tổng hạnh phúc. Chính nước này đã tác động, vận động ngoại giao,... để Liên Hiệp Quốc chấp nhận, cho ra đời Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm kể từ năm 2012.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc là dịp nhắc nhở mọi người cùng mưu cầu hạnh phúc, chia sẻ cho người bất hạnh và xây dựng gia đình hạnh phúc. Mọi gia đình hạnh phúc góp phần tạo dựng nên xã hội hạnh phúc và xã hội hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc./.
Ghi chú: Trong bài có dựa theo một số ý tưởng của tạp chí Văn hóa Phật giáo số 247 và số 292.
Quang Hảo