Tiếng Việt | English

25/07/2017 - 02:09

Hậu phương vững chắc

Những người vợ thương binh luôn vượt lên nỗi đau để cùng chồng vượt qua khó khăn, thử thách. Ở họ sáng ngời trái tim nhân hậu, thủy chung...

Bà Phạm Thị Nga, vợ thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Chương ở ấp 1, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An: “Duyên nợ gắn kết cuộc đời chúng tôi”

Người phụ nữ phía sau thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Chương là người khá hoạt bát, sôi nổi. Trở về sau một ngày làm việc tại một công ty gần nhà, bà vồn vã chào khách.

Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà khang trang, bà Nga cười sảng khoái như chính phong thái của những người phụ nữ Nam bộ mà chúng tôi từng gặp.

Bà chia sẻ: “Cô muốn hỏi tôi vì sao yêu thương và tình nguyện gắn bó với người thương binh như ông ấy phải không? Nói thiệt, quê tôi ở Sóc Trăng nhưng hồi đó, ba má đưa anh chị em tôi lên Sài Gòn lập nghiệp, rồi mua đất cất nhà ở Bình Chánh. Còn ông ấy tham gia cách mạng năm 1963. Nghe kể, ổng bị thương, điếc một bên tai khi tham gia đánh trận ở Kiến Tường năm 1967, đến năm Mậu Thân 1968 thì bị cụt mất một cánh tay khi tham gia đánh trận ở cầu chữ Y. Sau ngày giải phóng, ông ấy về công tác ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước. Thời đó, mỗi lần lãnh tiền cho cán bộ và các gia đình chính sách, ông ấy phải đi xe lên Bến Lức, rồi lên tỉnh lãnh tiền; sau đó, lên TP.HCM mới có xe về ngược lại Cần Đước. Lần nào đi, ông ấy cũng ghé nhà người chị gần nhà tôi xin nước uống. Vậy là, chúng tôi biết nhau, thương nhau rồi cưới nhau. Tôi nghĩ, vợ chồng là duyên nợ, ông ấy không còn lành lặn nhưng sống có nghĩa, có tình. Con cháu giờ lớn hết rồi thì tôi với ông ấy tự lo cho nhau”.

Chia tay bà trong tiếng cười giòn giã, chúng tôi lại hình dung, phía sau người thương binh ấy là người vợ tần tảo, một bệ đỡ vững vàng cho ông.

Bà Phạm Thị Dần, vợ thương binh hạng 1/4 Phạm Văn Đực ở Làng thương binh Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An: “Tôi tin người thương binh ấy là “điểm tựa” vững chắc cho mình”

Mặc dù mang trên mình nhiều di chứng của chiến tranh nhưng ông luôn nở nụ cười rạng rỡ. Ông là Phạm Văn Đực, sinh năm 1952, thương binh hạng 1/4.

Khi nhắc về người vợ tào khang, ông cười: “Đời tôi may mắn gặp được bà ấy. Quê tôi ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Mới 13, 14 tuổi, tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ngày 20/10/1968, tôi bị giặc bắt khi đang trên đường đi giao liên. Chúng đưa tôi về trại giam Cần Đốt, sau đó chuyển đến Tổng nha Sài Gòn rồi đưa vào nhà tù Biên Hòa, ra Phú Quốc,... Mãi đến năm 1973, tôi được trao trả và đưa ra điều trị tại Trại thương binh 4, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và gặp bà xã bây giờ. Chúng tôi cưới nhau năm 1975. Sau đó, tôi đưa bà xã về đây sinh sống cho đến nay”.

Ngồi bên cạnh chồng, bà Phạm Thị Dần chỉ lặng lẽ xoa dầu, bóp tay, chân cho ông. Chúng tôi cảm nhận ở người phụ nữ gốc miền Trung ấy một tình yêu son sắt dành cho người thương binh miền Nam mà cả đời bà nguyện gắn bó.

Bà Dần nhớ lại: “Lúc đó, nhà tôi ở gần trại thương binh. Số phận run rủi tôi gặp anh ấy khi anh bị thương và được đưa ra điều trị ở Trại thương binh 4. Dù bị cụt mất một chân nhưng anh ấy vẫn chống nạng đi bắt cá và có thể tự làm được rất nhiều việc. Từ cảm mến rồi chúng tôi yêu thương nhau lúc nào không biết. Lúc cưới nhau, tôi mới 18, còn anh ấy 23 tuổi. Sau khi cưới, tôi theo chồng vào Nam, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Chính anh ấy lại là điểm tựa vững chắc cho tôi. Giờ đây, 4 đứa con đều trưởng thành và có việc làm ổn định nên tôi có thời gian chăm sóc anh ấy nhiều hơn”.

Chị Nguyễn Thị Điệp, vợ thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Hon ở ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An: “Ông ấy chưa từng hứa hẹn nhưng không hiểu sao, trái tim tôi mách bảo phải chờ”

Câu chuyện về người vợ thương binh trở về sau chiến tranh biên giới Tây Nam lại là một câu chuyện đầy thú vị. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc, chị là một người phụ nữ rất ít nói, hiền lành nhưng dễ xúc động. Tình thế bị hoán đổi khi bất ngờ người mà chúng tôi muốn khai thác lại không nói được gì vì... khóc, còn người thương binh hào hứng bắt đầu câu chuyện.

Anh Nguyễn Văn Hon cho biết: “Ngày xưa, cô ấy đẹp lắm! Vốn là phụ nữ tần tảo nên mọi việc đồng áng, chăn nuôi,... đều do cô ấy quán xuyến. Nhà cùng xóm nên chúng tôi gặp mặt nhau hoài. Tôi thầm thương nhưng không dám ngỏ lời vì nghĩ cô ấy yêu anh bạn của tôi. Tôi và người bạn ấy tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia và anh mãi mãi không trở về. Còn tôi thì để lại một chân trên chiến trường.

Ngày trở về, chúng tôi chia sẻ, an ủi nhau rồi tình cảm đến một cách tự nhiên. Cưới nhau xong, để có tiền trang trải cuộc sống, vợ tôi phải bươn chải ngược xuôi. Vất vả là vậy, nhưng cô ấy chưa bao giờ than trách mà tận tụy chăm lo cho chồng.

Cách đây hơn 5 năm, cô ấy bị tai biến, giờ đôi chân yếu lắm, đi lại rất khó khăn, chỉ quanh quẩn trong nhà. Chúng tôi có 2 đứa con trai, đứa lớn 28 tuổi, lập gia đình, còn thằng nhỏ đang học lớp 11. Giờ tôi nhận sửa các thiết bị điện gia dụng như máy quạt, nồi cơm điện, môtơ bơm nước,... với thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, cộng với tiền chính sách trợ cấp hàng tháng nên gia đình tôi cũng tạm đủ sống”.

Động viên mãi chị Điệp mới chia sẻ: “Hồi trẻ, nhiều người theo đuổi nhưng tôi chỉ yêu ông ấy. Đợi hoài không thấy ngỏ lời, sau này mới biết, ông ấy nghĩ tôi yêu ông bạn của ổng. Dù ổng chưa từng hứa hẹn nhưng không hiểu sao, trái tim tôi mách bảo phải chờ ông ấy. Chúng tôi đến với nhau bằng tình cảm chân thành, nên dẫu có vất vả đến mấy, tôi cũng vượt qua. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để chăm sóc ông ấy nhiều hơn nữa”.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm, hàng ngàn người vợ thương binh đang từng ngày, từng giờ vượt qua khó khăn để vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung ở họ là sự đảm đang, tần tảo. Họ chính là “điểm tựa” vững chắc của những người hy sinh tuổi thanh xuân, cống hiến một phần thân thể của mình cho Tổ quốc./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết