Cổ tích đời thường
Nghệ An - quê nhà còn nhiều khó khăn, gia đình lại chẳng mấy khá giả nên cô gái Chu Thị Tám khăn gói, cất bước vào TP.HCM kiếm sống. Năm rời quê, tha hương lập nghiệp, chị Tám tròn 17 tuổi. Làm công nhân may cho công ty của người anh bà con, chị có thể tự lo cuộc sống bản thân và dành dụm ít tiền gửi về quê nhà cho cha mẹ. Cuộc sống của chị xem như tạm ổn.
Vợ chồng anh Lê Văn Công trong ngày cưới
Còn anh Lê Văn Công, năm ấy cũng rời quê nhà Hà Tĩnh vào TP.HCM, mang theo quyết tâm vượt qua khó khăn để cuộc sống bớt khổ cực hơn những ngày ở quê. Nhưng, với đôi chân tật nguyền, chuyện xin việc với anh vô cùng khó khăn. “Mọi người e ngại tôi không thể làm tròn việc nên lắc đầu từ chối”, anh Công nhớ lại. Dù chân tật nguyền nhưng anh vẫn còn đôi tay lành lặn và trí óc minh mẫn. Vì thế, anh đăng ký học sửa chữa điện tử tại Câu lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật trẻ của TP.HCM. Đó là năm 2005, anh vừa đi học, vừa làm thêm ở xưởng mộc để có tiền trang trải cuộc sống xa nhà.
Lớp học dành cho những người khuyết tật trẻ đưa anh Công đến với nhiều cơ duyên. Đó là cái duyên với môn cử tạ khi anh được bạn bè giới thiệu đến Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Tân Bình tập luyện. Trong những lần theo những người bạn khuyết tật đi chơi, anh gặp và bén duyên với chị Chu Thị Tám. “Lúc đầu còn ngại vì bản thân tật nguyền nhưng sau thời gian gặp gỡ, tìm hiểu, chúng tôi dành cho nhau tình yêu thật sự” - anh Công kể lại.
Ngày đó, chị Tám còn trẻ, khuôn mặt ưa nhìn và nụ cười duyên dáng nên có nhiều người theo đuổi nhưng chị đều lắc đầu từ chối. “Khi gặp anh Công, tôi cảm nhận được nghị lực mạnh mẽ, ý chí vượt lên số phận của anh ấy nên cảm mến và mong muốn cùng anh chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống” - chị Tám tâm sự. Tuy nhiên, chuyện tình “đôi đũa lệch” bị gia đình chị Tám ngăn cản vì sợ chị khổ. Chị Tám nhớ lại: “Lúc đó, gia đình bắt tôi về quê và không cho liên lạc với anh Công. Nhưng tôi kiên trì, thuyết phục ba mẹ nên cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho tôi với anh Công quen nhau. Tết năm đó, tôi mừng vui gọi điện thoại cho anh, bảo anh về quê ra mắt gia đình tôi. Sau lần đó, chúng tôi thành vợ chồng, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống”.
“Hậu phương” vững chắc
Gần 10 năm trôi qua, chị Tám vẫn không quên lời ba mẹ từng nói trong ngày cưới: “Đã chọn thì có khổ cũng phải ráng mà chịu!”. Từ ngày đó, cuộc sống của chị không còn ổn như trước bởi chị còn một gia đình phải chăm lo với bao khó khăn phía trước.
Kể về những năm đầu mới cưới, chị Tám nói: “Lúc đó vất vả vô cùng! Hai vợ chồng thuê căn phòng trọ nhỏ xíu ở quận Bình Thạnh để ở. Qua người quen giới thiệu, anh nhận đồ điện tử sửa tại phòng trọ, còn tôi đi học trang điểm cô dâu và đi may để trang trải cuộc sống. Lúc đó, tiền phòng trọ hơn 1 triệu đồng/tháng nên mỗi bữa đi chợ chỉ dám mua vài chục ngàn đồng thức ăn dùng cả ngày”.
Năm 2010, chị Tám vừa sinh con trai đầu lòng thì anh Công bị tai nạn xe máy rất nặng, phải nghỉ làm, nằm ở phòng trọ an dưỡng. “Lúc này, 2 vợ chồng chuyển phòng trọ lên quận Tân Bình để gần nơi anh Công tập luyện. Khi anh bị tai nạn, tôi gửi con trai về quê để ngoại chăm sóc, còn tôi bươn chải kiếm tiền lo thuốc thang cho chồng, lo cho cuộc sống” - chị Tám nhớ lại. Cuộc sống quá khó khăn nhưng chưa bao giờ chị Tám nản lòng. Ngược lại, chị luôn nỗ lực vượt qua để chồng an tâm dưỡng bệnh, để chị làm tròn trách nhiệm người vợ đồng cam cộng khổ với chồng trong cuộc sống.
“Lúc đó, bác sĩ khuyên tôi nghỉ tập thể thao, nếu không có thể bị liệt. Từ quê vào đây lập nghiệp, bén duyên với thể thao và mong ước sẽ chạm đến thành công nhưng nghe lời bác sĩ khuyên, tôi sụp đổ hoàn toàn. Nhờ vợ động viên nhiều, sáng chiều đưa đón đi tập vật lý trị liệu nên tôi dần hồi phục và quay lại với thể thao. Cố ấy là người tiếp thêm sức mạnh, truyền lửa lúc tôi bế tắc nhất” - anh Công bộc bạch.
Trải qua bao sóng gió, vợ chồng đô cử Lê Văn Công vẫn hạnh phúc bên nhau
Rồi, cuối cùng anh cũng chạm đến vinh quang khi từng đoạt Huy chương Vàng ASEAN Para Games 2014 và gần đây nhất là Huy chương Vàng Paralympic 2016, đồng thời phá kỷ lục thế giới. Từ số tiền dành dụm, tiền thưởng trong những lần đoạt giải, vợ chồng anh mua miếng đất, xây căn nhà nhỏ ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa để ở từ năm 2014 đến nay. Bây giờ, mỗi ngày, anh vẫn đi xe máy về TP.HCM tập luyện và làm việc tại xưởng sản xuất ampli ở quận Thủ Đức. Còn chị Tám, ngày ngày chăm sóc 2 con. “Đứa lớn học tiểu học, đứa nhỏ gần 1 tuổi nên tôi ở nhà dạy đứa lớn học, trông đứa nhỏ, lo chuyện cơm nước thêm vài năm sẽ tìm việc gì đó để làm” - chị Tám cho biết.
Bây giờ, trong ngôi nhà của anh chị luôn rộn rã tiếng cười bởi thời gian khó đã qua. “Nhưng, vợ chồng tôi luôn nhớ năm tháng vất vả ấy để tiếp tục phấn đấu. Có cuộc sống hôm nay, ngoài thầy cô, bè bạn, tôi cảm ơn vợ - người phụ nữ chịu thương, chịu khó đồng hành cùng tôi. Từ ngày quen nhau đến khi là chồng vợ, tôi chưa bao giờ tặng hoa hay quà cho vợ nhưng trong lòng tôi, tình yêu thương vợ con lúc nào cũng đong đầy. Sau mỗi lần thi đấu thành công, người đầu tiên tôi gọi điện thoại báo tin vui là vợ con. Ngược lại, mỗi lần tôi thi đấu, vợ con ngồi hàng giờ đến tận khuya để xem qua truyền hình” - anh Công chia sẻ thêm.
Còn chị Tám lại nói: “Khi biết tin anh thi đấu đạt thành tích, tôi mừng rơi nước mắt. Mừng vì sau bao năm nỗ lực, phấn đấu, anh đã chiến thắng tật nguyền và thực hiện được ước mơ”.
Người ta thường nói: “Phía sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ” thật không sai! Chính chị Tám là “hậu phương” vững chắc trong sự thành công của chồng. Và, anh chị viết nên câu chuyện cổ tích đời thường thật đẹp về tình nghĩa vợ chồng đủ đầy yêu thương, luôn đồng cam cộng khổ vượt qua mọi chông gai trong cuộc sống./.
Thùy Hương