Khi được thông báo nghỉ hè, tất cả học sinh đều thở phào nhẹ nhõm vì không còn phải dậy sớm mỗi ngày, không còn lo áp lực làm bài tập mỗi tối. Tuy nhiên, cho trẻ học gì, chơi gì trong dịp hè lại là “bài toán” muôn thuở của các phụ huynh.
Trẻ em đã có 9 tháng “căng mình” với việc học trên lớp, nghỉ hè là khoảng thời gian cần thiết để các em lấy lại cân bằng, có nhiều thời gian hơn cho những sở thích cá nhân. Tuy nhiên, quá trình này không thể thiếu sự đồng hành và dẫn dắt của phụ huynh.
Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực học hành kéo dài sẽ khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, căng thẳng quá khả năng chịu đựng, dẫn đến những hành vi tiêu cực, khó kiểm soát. Vì vậy, cùng với việc học văn hóa, trẻ rất cần được vui chơi, giải trí, trải nghiệm thực tế và rèn luyện những kỹ năng sống.
Nhiều nghiên cứu đã cho phép đi đến kết luận là trong các yếu tố quyết định sự thành công của con người, kỹ năng sống đóng góp đến khoảng 85%. Theo UNESCO, 3 thành tố hợp thành năng lực của con người là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp.
Là cha mẹ ai cũng yêu thương con, muốn cho con có tương lai tươi sáng, chính vì vậy, họ luôn muốn các con tận dụng tất cả thời gian cho việc học, kể cả 3 tháng hè để trau dồi thêm kiến thức. Thế nhưng, việc học thêm 3 tháng hè có đủ khiến con trẻ thông minh hơn? Hay chỉ làm cho các con thêm căng thẳng, mệt mỏi, không còn được “nghỉ hè” đúng nghĩa?
Thực tế, do cha mẹ phải đi làm, thiếu người trông hoặc kỳ vọng quá nhiều vào con mình, nhiều cha mẹ đã đăng ký cho con học thêm một số môn văn hóa thuộc chương trình của năm học sau hoặc học ngoại ngữ. Ngoài việc phải học thêm cả hè thì nhiều trẻ em, nhất là trẻ em ở thành phố “bị giam” trong bốn bức tường điều hòa, khi cha mẹ không có ở nhà, các em thường chỉ chơi game vì không ai quản lý.
Để trẻ có mùa hè vui và bổ ích, cha mẹ cần quan tâm, kết hợp chơi và học với tỷ lệ thích hợp tùy vào điều kiện, nhu cầu của mỗi trẻ. Nếu sợ con vì quá ham chơi sẽ quên hết kiến thức đã học, hay sợ con lười học sau một khoảng thời gian dài nghỉ hè, cha mẹ có thể đăng ký cho trẻ học thêm ở các trung tâm hoặc thuê gia sư kèm 1, 2 buổi trong 1 tuần với tính chất ôn bài nhẹ nhàng, không áp lực.
Có rất nhiều cách để giúp trẻ vừa được vui chơi mà vẫn được bồi đắp kỹ năng sống một cách tự nhiên. Ví dụ, phụ huynh có thể cho trẻ tham gia các lớp năng khiếu theo sở thích để con thỏa sức khám phá tiềm năng vốn có và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Khóa tu mùa hè hay Học kỳ trong quân đội cũng là một trong những hoạt động các em có thể tham gia. Tuy nhiên, phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ đơn vị tổ chức và cách thức tổ chức để vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối, vừa thực sự mang lại trải nghiệm thú vị cho các em.
Trong dịp hè này, Trung tâm Hoạt động Thanh, thiếu nhi tỉnh tiếp tục mở các lớp dạy kỹ năng sống với các chuyên đề như chăm sóc sức khỏe, xử lý tình huống khẩn cấp, sinh hoạt tập thể, cảm xúc yêu thương, rèn luyên đạo đức,... Bên cạnh đó là các chương trình trải nghiệm “24h em làm chiến sĩ cảnh sát cơ động”, “Học kỳ trong quân đội”, “Em làm chiến sĩ Công an nhân dân năm 2023”. Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng tổ chức các lớp năng khiếu cho thiếu nhi trên địa bàn TP.Tân An và các huyện lân cận như múa, vẽ, nhảy hiện đại, võ thuật, đàn, hát,… Phụ huynh có thể cân nhắc cho các em trải nghiệm.
Dù bận rộn đến đâu nhưng nếu đủ tình yêu thương và sự quan tâm thì cha mẹ hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian để cùng con học, cùng con chơi, tạo nên một mùa hè bổ ích. Những chuyến du lịch dã ngoại cả gia đình vào dịp cuối tuần cũng là một trong những lựa chọn hợp lý cho kỳ nghỉ hè, qua đó còn góp phần gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Trẻ em có quyền được học hành nhưng cũng có quyền được vui chơi, giải trí. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy cho con em mình một môi trường học tập và vui chơi cân bằng, thoải mái. Đừng để kỳ nghỉ hè trở thành “học kỳ thứ 3” của trẻ! Hãy để mùa hè cũng là một phần tuổi thơ trong trẻo, đẹp đẽ trong hành trang cuộc đời của các em sau này./.
Hoàng Trà