Tiếng Việt | English

03/07/2023 - 16:09

Hiểu đúng về đấu giá và định danh biển số xe

Phiên đấu giá biển số xe ô-tô đầu tiên dự kiến diễn ra từ ngày 15-20/8. Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, mỗi quý, Cục này sẽ cung cấp khoảng 100 nghìn biển số để đưa ra đấu giá.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin về triển khai Nghị quyết 73/202/QH15.

Theo Nghị quyết số 73/202/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm đấu giá biển số ô-tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/7/2023, người dân sẽ được quyền lựa chọn, đấu giá để sở hữu biển số ô-tô theo mong muốn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Mục đích của việc đấu giá biển số xe chính là lấy người dân làm trung tâm phục vụ, đáp ứng mọi nguyện vọng của người dân, cải cách thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân và tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Để triển khai thực hiện công tác này, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông phối hợp các đơn vị chức năng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai việc đấu giá này. Đó là: Nghị quyết 73 của Quốc hội, Nghị định 39 hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị quyết 73, có hiệu lực vào ngày 1/7/2023. Đồng thời, xây dựng 2 Thông tư thay thế Thông tư 58, 59 về đăng ký quản lý phương tiện đấu giá biển số xe ô-tô và phương tiện sau khi đấu giá.

Việc thực hiện đấu giá biển số xe đánh dấu bước tiến mới, đó là đăng ký xe đối với trường hợp đấu giá và đăng ký xe theo mã định danh công dân. Theo đó, người dân có thể tham gia đấu giá tại tất cả các địa phương trên cả nước.

Ví dụ như người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể đấu giá biển số xe ở Hà Nội. Khi trúng đấu giá, chỉ cần mang phương tiện đến Thành phố Hồ Chí Minh là có thể đăng ký.

Nhằm triển khai chương trình số hóa hồ sơ, người dân có thể đăng ký xe tại nơi thường trú, nơi cư trú, chỉ cần có Căn cước công dân là có thể đăng ký xe. Toàn bộ quy trình đăng ký xe được thực hiện trên môi trường điện tử.

Giải thích về định danh biển số, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng: định danh biển số là một cụm từ khá mới. Có thể hiểu, biển số xe giống như sim điện thoại, có thể lắp trên bất kỳ chiếc máy nào. Như vậy, khi chủ phương tiện bán xe của mình, vẫn giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện mới do mình sở hữu. Điều này giúp công tác quản lý của nhà nước, nhất là việc xử lý những vi phạm hành chính.

Hiện nay, việc mua bán, sang tên đổi chủ phương tiện nhiều lần, chưa được thực hiện nghiêm ngặt, khi lực lượng chức năng gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, do đã bán cho người khác sẽ rất khó để yêu cầu chủ phương tiện thực hiện các quyết định xử phạt.

Hay trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, việc truy được ra trách nhiệm của chủ phương tiện và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Do vậy, việc tiến tới định danh biển số xe là nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý của nhà nước và bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện - Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định.

Theo dự kiến của Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng sẽ cấp khoảng 100 nghìn biển số để đưa ra đấu giá. Số biển này tiến hành trong một phiên đấu giá. Trong một phiên sẽ có nhiều cuộc đấu giá. Tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân, sẽ có lượng biển đấu giá được bán ra phù hợp.

Mức giá khởi điểm đấu giá sẽ là 40 triệu đồng, tương đương giá trị 5% của những phương tiện ô-tô phổ thông người dân đang lưu thông. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Khi phân bổ ngân sách, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội để giải ngân nguồn ngân sách này./.

Theo Nhân dân

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích