Tiếng Việt | English

15/06/2022 - 09:05

Thi hành Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án: Nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ

Hơn 1 năm kể từ ngày Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án có hiệu lực đã huy động được nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia, phối hợp tòa án tiến hành HGĐT trong các vụ việc, giúp đương sự có thêm các lựa chọn giải quyết vụ việc không cần phải qua các bước xét xử. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thi hành Luật HGĐT tại Tòa án hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Hòa giải viên Trần Thị Nhanh (giữa) chúc mừng cả 2 đương sự sau khi hòa giải, đối thoại thành công vụ việc tranh chấp đất đai

Hòa giải viên Trần Thị Nhanh (giữa) chúc mừng cả 2 đương sự sau khi hòa giải, đối thoại thành công vụ việc tranh chấp đất đai

Quy định pháp luật còn vướng

Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, ngay sau khi Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực, hệ thống TAND 2 cấp tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người phục vụ việc thi hành luật. 72 hòa giải viên (HGV) là những người có uy tín, nhiều năm công tác tại các cơ quan tư pháp, có tâm huyết, kỹ năng nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm được phân bổ cho TAND tỉnh và hệ thống TAND cấp huyện. Với kinh nghiệm thực tế khi tỉnh Long An là một trong số các địa phương thực hiện thí điểm công tác HGĐT trước khi Luật được ban hành và có hiệu lực nên ngay sau khi triển khai, công tác HGĐT dần đi vào nề nếp, được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn. Chỉ trong hơn 1 năm, đã có gần 3.000 đương sự lựa chọn thực hiện HGĐT tại tòa án. So với các địa phương khác, công tác HGĐT tại tòa án trên địa bàn tỉnh được đánh giá cao khi có gần 47% HGĐT thành hoặc sau hòa giải, đương sự rút đơn khởi kiện.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, đánh giá về công tác thi hành luật, TAND tỉnh cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn của đương sự khi thực hiện HGĐT và kết quả HGĐT trong các vụ việc. Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, hiện nay, quy định của Luật HGĐT tại tòa án còn nhiều điểm vướng mắc. Đơn cử, theo Điều 20, quy định thời gian HGĐT là 20 ngày, kéo dài nhưng không quá 30 ngày, đối với những vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng nếu các đương sự thống nhất. Nhưng trong thực tế thì thời gian này là quá ngắn, không đủ để thực hiện HGĐT theo quy trình HGĐT được ban hành và các trình tự, thủ tục.

“Chẳng hạn, những vụ việc tranh chấp phức tạp liên quan đến đất đai, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, dù các đương sự có thiện chí hòa giải nhưng trước khi ghi nhận kết quả HGĐT thành cần phải thực hiện một số hoạt động như xem xét thẩm định hoặc có thể đo đạc đất, trong khi hoạt động này cần một khoảng thời gian dài hơn Luật định” - ông Dũng dẫn chứng.

Còn theo quy định tại Điều 32 thì sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, ghi nhận kết quả đối thoại, HGV phải chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu. Trong trường hợp này, đương sự có phải làm đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành hay không, người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án có phải chịu lệ phí việc dân sự theo quy định không,... vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, Luật và các hướng dẫn chưa quy định cơ chế giám sát hoạt động của HGV như từ chối nhận vụ, việc để hòa giải hoặc HGV lợi dụng trong quá trình HGĐT để thực hiện những hành vi không đúng.

Mặt khác, Luật không có quy định về việc tuyển chọn thư ký giúp việc mặc dù thủ tục HGĐT được tiến hành linh hoạt, đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng nhưng vẫn cần phải có thư ký giúp việc, trong khi đó, tòa án đang thiếu biên chế và số lượng các loại án hàng năm phải thụ lý và giải quyết tăng rất lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Hơn 1 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, mặc dù các cấp tòa án trong tỉnh và hệ thống chính trị các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật ra cộng đồng nhưng đa phần người dân còn rất ít quan tâm nên chưa hiểu hết được ý nghĩa, lợi ích của việc giải quyết tranh chấp tại tòa án thông qua HGĐT. Chính vì vậy, người dân còn chưa tin tưởng, nhiều trường hợp từ chối lựa chọn HGĐT, nhất là những vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, giao dịch về quyền sử dụng đất, nhà ở, thừa kế,... Đây là những quan hệ tranh chấp phức tạp nên việc giải quyết cần áp dụng các cách thức thu thập chứng cứ khác nhau.

Một số trường hợp, người dân không lựa chọn HGĐT vì lo sợ không thể giải quyết tranh chấp, tòa án không đủ căn cứ để ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Đồng thời, tỷ lệ hòa giải thành đối với các tranh chấp dân sự còn chưa cao do tính chất phức tạp của vụ việc, số lượng các vụ việc dân sự không hòa giải thành có liên quan đến đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, kéo dài đã nhiều năm, nhiều người tham gia tố tụng. Các tài liệu chứng cứ các bên nộp cho tòa án không đầy đủ, cần phải có sự hỗ trợ thu thập chứng cứ từ tòa án theo trình tự tố tụng, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự thu thập. Ngoài ra, hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ việc HGĐT tại tòa án cũng chưa được quan tâm đầu tư, phần nào ảnh hưởng đến kết quả thi hành luật.

Trước thực tế đó, Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của Luật trên các kênh thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn của việc lựa chọn HGĐT tại tòa án thì TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Trong đó, cần sớm có quy định về đội ngũ giúp việc cho HGV để giảm áp lực cho thư ký tòa án, hướng dẫn quy định thẩm phán phụ trách có quyền yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án khi HGĐT thành nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của tài liệu chứng cứ, là cơ sở để thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả HGĐT thành một cách chính xác nhất.

Đồng thời, TAND Tối cao cũng cần sớm có hướng dẫn cụ thể cho phép áp dụng các hình thức cấp, tống đạt tương tự quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính trong quá trình HGV tiến hành mời các đương sự để thực hiện hoạt động HGĐT được thuận lợi. Từ đó, giúp đưa Luật thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội./.

Khó đạt chỉ tiêu phấn đấu

Hiện nay, TAND Tối cao yêu cầu phấn đấu đạt tỷ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang HGĐT so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án nhận được trong một năm từ 80% trở lên. Tỷ lệ vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính được hòa giải viên hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật HGĐT tại tòa án so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà tòa án chuyển sang HGĐT trong một năm đạt từ 70% trở lên. Đây là chỉ tiêu phấn đấu rất cao và rất khó đạt trong khi theo Luật quy định thì quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn thủ tục HGĐT theo Luật thuộc về người khởi kiện.

HGĐT tại tòa án là một lựa chọn mới, tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp cá nhân, tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc không cần thông qua các bước xét xử. Theo quy định của Luật HGĐT tại tòa án, HGĐT tại tòa án là hoạt động do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này. Quyết định công nhận kết quả HGĐT có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết