Tiếng Việt | English

09/12/2021 - 09:14

Hiệu quả hướng dẫn kỹ thuật canh tác trên các loại cây trồng

Trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác là “bí kíp” để có vụ mùa bội thu. Qua đó, góp phần giúp tăng năng suất, thu nhập và giảm thiệt hại.

Tích cực hướng dẫn các biện pháp canh tác

Kỹ thuật canh tác (hay còn gọi là biện pháp canh tác) là một trong những cách thức phòng trừ tổng hợp dịch hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến cây trồng. Biện pháp canh tác bao gồm các hoạt động của con người liên quan đến việc trồng cây nông nghiệp, bắt đầu từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch mùa màng. Tất cả kỹ thuật canh tác không chỉ tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng mà còn ngăn ngừa sự ảnh hưởng lây lan của các sinh vật gây bệnh khác.

Các biện pháp canh tác chủ yếu nhằm bảo vệ thực vật, tạo ra điều kiện sinh thái thuận lợi giúp cây trồng phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ, ngăn ngừa sự phát sinh, lây lan mầm bệnh của dịch hại.

Chỉ cần nắm rõ kỹ thuật canh tác, nông dân dễ dàng có được vụ mùa bội thu (Ảnh tư liệu)

Xác định được hiệu quả, lợi ích và tính cấp thiết của kỹ thuật canh tác đem lại cho nông dân, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thường xuyên phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố tổ chức thăm đồng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân, với nội dung tập trung chủ yếu vào kỹ thuật làm đất, luân canh cây trồng, xen canh, đa canh, thời vụ gieo trồng hợp lý, mật độ gieo trồng thích hợp, sử dụng phân bón hợp lý, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,… Trong đó, Chi cục đặc biệt chú ý tuyên truyền, tập huấn về các quy trình, kỹ thuật phòng trừ bệnh trên các loại cây trồng.

Bệnh khảm lá trên cây khoai mì bùng phát trên diện rộng ở một số tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và có dấu hiệu lây lan sang một số tỉnh, thành lân cận, trong đó có Long An, làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nông dân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Lê Văn Nam thông tin: “Bến Lức là huyện có diện tích trồng khoai mì lớn nhất tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình, Tân Hòa, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi. Giống khoai mì được sử dụng chủ yếu là HLS11. Diện tích trồng khoai mì của huyện thường xuất hiện bệnh khảm lá nhưng nhờ sự chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình canh tác nên diện tích nhiễm bệnh thấp, chưa ảnh hưởng nhiều đến năng suất”.

Được biết, nguyên nhân xuất hiện bệnh khảm lá trên cây khoai mì là do virút có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (Begomovirus: Geminiviridae) gây ra. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá khoai xoăn, cong queo, nhăn nhúm.

Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây khoai, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virút lây nhiễm từ khi cây khoai còn non. Cơ chế lan truyền Sri Lanka Cassava Mosaic Virus qua 2 con đường: Qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh. Thông qua 2 cơ chế lan truyền trên, nếu không phòng trừ, tiêu hủy, bệnh khảm lá lây lan rất nhanh, nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng khoai mì.

Khi xác định được nguyên nhân, triệu chứng và cơ chế truyền bệnh, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh phối hợp ngành Nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố có những biện pháp phòng, trừ bệnh khảm lá trên khoai mì. Cụ thể, Chi cục cử cán bộ tập huấn, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh khảm lá cho nông dân và cán bộ khuyến nông ở các địa phương với các nội dung: Tuyệt đối không sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh, không được mang thân lá ở khu vực nhiễm bệnh ra bên ngoài cũng như vận chuyển thân lá từ bên ngoài vào; đồng thời, chỉ chọn các loại giống chất lượng, hạn chế sử dụng giống nhiễm bệnh nặng như giống HL11; khuyến khích nông dân luân canh sang các loại cây trồng khác.

Còn về phòng trừ môi giới truyền bệnh sẽ tiến hành sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng, những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh thì sẽ phun trừ bọ phấn bằng thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp diện tích nhiễm nặng thì bắt buộc phải tiêu hủy, tránh mầm bệnh lây lan ra diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Ba (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) nói: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn về phòng, trừ bệnh khảm lá trên khoai mì, tôi nhận biết được các triệu chứng ban đầu và nguyên nhân của bệnh khảm lá nên có biện pháp xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, đối với những diện tích bị bệnh khảm lá nặng trên 70%, tôi phối hợp chính quyền địa phương vận động nông dân tiêu hủy”.

Nắm vững quy trình canh tác, không lo thiệt hại

Trong sản xuất nông nghiệp, các biện pháp canh tác có tác dụng phòng, trừ sâu, bệnh hại cây được xem như là một nhóm biện pháp bảo vệ thực vật. Tác động đúng đắn và hợp lý thì các biện pháp kỹ thuật canh tác có thể hạn chế được sự xuất hiện của sâu, bệnh trên đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo nói: “Hiện nay, một số diện tích lúa Đông Xuân xuất hiện rầy nâu nhưng mật độ nhiễm rất ít, chưa ảnh hưởng đến năng suất. Trước khi xuống giống gieo sạ vụ mới, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân chú ý đến kỹ thuật canh tác như vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ, diệt mầm bệnh, phơi đất, chọn giống và cách bón phân hợp lý, nhất là sau khi gieo sạ phải thăm đồng thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện các loại sâu, bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả”.

Nhờ nắm được quy trình phòng trừ bệnh khảm lá trên khoai mì nên nông dân ít bị thiệt hại (Ảnh tư liệu: BÙI TÙNG)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 11-2021, trên lúa Thu Đông 2021 có các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá (695ha), bệnh cháy bìa lá (437ha), bệnh đạo ôn cổ bông (198ha), chuột (189ha), bệnh lem lép hạt (51ha), rầy nâu (45ha), bệnh đốm vằn (42ha), bệnh vàng lá chín sớm (28ha), ốc bươu vàng (15ha),... gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ - chín ở các huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và TP.Tân An.

Trên lúa Đông Xuân 2021 - 2022, diện tích nhiễm rầy nâu trung bình trong tháng là 2.036ha, trong đó cao điểm là 7.395ha (tuần từ ngày 03 đến 09/11/2021), mật độ phổ biến là 1.500-2.000 con/m2, xuất hiện chủ yếu trên trà lúa đẻ nhánh ở huyện Tân Thạnh. Bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm trung bình trong tháng là 1.537ha, trong đó cao điểm là 3.271ha (tuần từ ngày 03 đến 09/11/2021), tỷ lệ nhiễm 5-10%: 3.226ha, tỷ lệ nhiễm >10-20% là 45ha, xuất hiện chủ yếu trên trà lúa đẻ nhánh ở các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Bến Lức, Cần Giuộc và Tân Trụ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Tùy theo từng loại sâu, bệnh, ngành Nông nghiệp có quy trình phòng, trừ sâu, bệnh khác nhau. Cụ thể, đối với chăm sóc cây ăn quả trong điều kiện mưa trái mùa thì cần phải theo dõi thông tin về thời tiết, có biện pháp xử lý cây ra hoa, ra trái phù hợp, tránh thời điểm cây ra hoa, ra trái có mưa trái mùa trong năm; khi mưa trái mùa, cần triển khai các biện pháp đào các rãnh nhỏ trên liếp để thoát nước nhanh, tránh ngập úng cục bộ,...

Hay đối với việc phòng, trừ sâu keo, cần phải làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng, hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất rồi phơi đất để ấu trùng chết; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là giai đoạn 3 - 6 lá để có biện pháp diệt trừ phù hợp; sử dụng các phế phẩm nấm xanh, nấm trắng để phun trừ khi sâu còn nhỏ,... Diện tích sâu, rầy trên lúa Thu Đông và Đông Xuân đều xuất hiện với mật độ rất thấp, chỉ cần nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác thì sẽ có một mùa bội thu”.

Long An đang phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó việc nắm vững kỹ thuật canh tác là một trong những “chìa khóa” quan trọng để đạt được mục đích này./.

Diện tích sâu, rầy trên lúa Thu Đông và Đông Xuân đều xuất hiện với mật độ rất thấp, chỉ cần nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác thì sẽ có một mùa bội thu”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống